Định hướng phát triển Việt Trì từ thành phố công nghiệp sang thành phố du lịch

18:19 21/09/2023
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Việt Trì đến năm 2040 là một đồ án rất có ý nghĩa, do tính chất đặc biệt của Khu di tích lịch sử Đền Hùng đối với địa phương cũng như cả nước. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn định hướng đô thị tiến tới của TP Việt Trì là thành phố lễ hội, đô thị xanh, sinh thái.

Ngày 21/9, Bộ Xây dựng tổ chức nghiệm thu đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Việt Trì đến năm 2040. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Việt Trì đến năm 2040.

Theo dự thảo, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP Việt Trì bao gồm 22 đơn vị hành chính, với 13 phường và 9 xã.

Ranh giới cụ thể: Phía Bắc giáp thị trấn Phong Châu và xã An Đạo, huyện Phù Ninh; phía Nam giáp sông Hồng; phía Tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao; phía Đông giáp sông Lô.

Khu vực lập quy hoạch có diện tích khoảng 111,49 km2.

Thời hạn quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2040.

Dự báo quy mô dân số toàn thành phố đến năm 2030 là khoảng 380.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 250.00 người. Dân số toàn thành phố đến năm 2040 là khoảng 500.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 440.000 người.

Giai đoạn đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 5.074 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.001 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 1.640 ha. Giai đoạn đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 5.957 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.716 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 1.807 ha.

Mô hình “Một hành lang, Một vành đai, Một không gian xanh”

Không gian thành phố được định hướng phát triển theo mô hình cấu trúc “Một hành lang, Một vành đai, Một không gian xanh”.

Hành lang xanh: là dải hành lang trục dọc thành phố theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, bao gồm trục không gian lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc.

Vành đai xanh: phía trong đê ven sông - là không gian xanh, sinh thái cảnh quan; phía ngoài đê, kết nối chuỗi các khu dân cư đô thị du lịch, dịch vụ thương mại, gắn với các không gian xanh phục vụ công cộng, công viên, thể thao, quảng trường du lịch, khu sinh thái.

Không gian xanh: Gắn kết hài hòa không gian khu vực Đền Hùng, khu vực nông thôn với đô thị và không gian ven sông trở thành một tổng thể cảnh quan văn hóa - lịch sử - sinh thái ấn tượng, đặc trưng của vùng đất Tổ.

8 khu chức năng, 3 vùng cảnh quan chính

Trên cơ sở phân vùng cảnh quan, phân vùng chức năng, đặc trưng hoạt động của từng khu vực, Quy hoạch nêu định hướng phát triển không gian theo 08 phân khu: Khu số 1 - Khu di tích lịch sử đặc biệt Đền Hùng. Khu số 2 - Khu trung tâm đô thị hiện hữu - Trung tâm hành chính, chính trị. Khu số 3 - Khu phức hợp đô thị - Thương mại - Dịch vụ (thông minh). Khu số 4 - Khu đô thị du lịch - dịch vụ (phát triển xanh). Khu số 5 - Khu phức hợp công nghệ cao - đô thị thông minh. Khu số 6 - Khu đô thị dịch vụ hỗ trợ công nghiệp. Khu số 7 - Làng sinh thái kết hợp du lịch - dịch vụ. Khu số 8 - Dải không gian ven sông (bãi bồi).

Tổng thể thành phố bao gồm 3 vùng cảnh quan chính: Vùng 1 - trọng tâm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng - vùng núi Nghĩa Lĩnh. Vùng 2 - vùng trung tâm các phường hiện hữu, là dải đất dọc hai bên trục đường Hùng Vương và Nguyễn Tất Thành. Vùng 3 - vành đai ven sông Hồng, sông Lô bao gồm: dải đô thị hỗn hợp ven sông (ngoài đê).  

Quy hoạch cũng cho biết các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư (đợt đầu đến năm 2030) gồm:

Các dự án phát triển không gian thành phố lễ hội: Tiếp tục hoàn thiện Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Trục không gian lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc; Khu trung tâm lễ hội các khu vực; Công viên cây xanh; Di tích khảo cổ Làng Cả và 10 điểm di tích thành phố;

Khu sân golf Hy Cương, Thanh Đình; hoàn thiện trung tâm y tế vùng; Trường cao đẳng Y tế; Khu hỗn hợp ven sông; Khu hỗn hợp đô thị mới cửa ngõ phía Tây Nam Việt Trì - Thụy Vân; Khu đô thị mới phía Đông Nam Việt Trì - Trưng Vương.

Dự án hạ tầng: Bổ sung cầu mới qua sông Lô, kết nối cao tốc tại IC6, kết nối với Vĩnh Phúc qua đường tỉnh 305C; tuyến Đền Hùng - Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Giao thông: Xây dựng đường trục chính đô thị dọc kênh Đông Nam; xây dựng các tuyến nội đô; xây dựng 01 nút giao khác mức Hùng Vương - Đường sắt; bến tàu khách Hùng Lô, xây dựng bến xe thành phố tại Phượng Lâu…

Định hướng tiến tới thành phố lễ hội, đô thị xanh, sinh thái

Ông Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, góp ý hoàn thiện đồ án, phản biện và các thành viên Hội đồng nhấn mạnh, địa phương và đơn vị tư vấn cần làm rõ dự báo số liệu về đất đai, bổ sung số liệu về dân số và hiện trạng, xác định rõ tỉ lệ tăng tự nhiên và cơ học; số liệu hiện trạng về sinh viên, khách du lịch, công trình công cộng.

Đồng thời cần có so sánh các chỉ tiêu của đồ án với tiêu chuẩn độ thị loại I; phân tích khả năng tiêu thoát nước; làm rõ các chỉ tiêu chưa đạt theo chuẩn đô thị loại I, nhất là về quy mô, mật đô dân số; làm rõ hơn các định hướng quy hoạch ngành quốc gia cũng như vai trò của Khu di tích lịch sử Đền Hùng với sự phát triển của TP Việt Trì.  

Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết xác định rõ các chỉ tiêu đạt được so với Quy hoạch nămn 2015; làm rõ hơn định hướng đô thị tiến tới là thành phố lễ hội, đô thị xanh, sinh thái; làm rõ hơn cấu trúc phát triển gắn với các khu vực lân cận; định hướng phát triển không gian các khu vực đặc thù, tuân thủ định hướng Quy hoạch chung 2015 và các quy hoạch ngành, quy hoạch cấp trên; làm rõ hơn định hướng phát triển hệ thống hạ tầng công cộng, cây xanh, dịch vụ thương mại; định hướng di dời các kho bãi, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Rà soát giải pháp hệ thống tiêu thoát nước của thành phố, hệ thống thuỷ lợi các vùng lân cận, hồ, kênh thoát nước; hạn chế san lấp hồ ao; thực hiện rà soát các nút giao cắt đối nội, đối ngoại; xem xét giải pháp quy hoạch nghĩa trang, xử ly chất thảo rắn đô thị…

Tiếp thu các ý kiến thành viên Hội đồng tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh những nét đặc thù của TP Việt Trì so với các đô thị khác. Từ đó, mong muốn có cơ chế vận dụng, chỉ tiêu linh hoạt, phù hợp để phát huy những nét đặc trưng của địa phương.  

Một góc TP Việt Trì hiện nay. Nguồn: Phutho.gov.vn

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá đây là một đồ án rất có ý nghĩa do tính chất đặc biệt của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đây cũng là một thành phố có từ rất sớm, với hơn 60 năm lịch sử hình thành, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử của tỉnh, vùng cũng như cả nước.

Theo Thứ trưởng, nhìn chung đồ án bám sát các văn bản pháp lý cao nhất. Theo đó đã thực hiện được một số nhóm vấn đề, như rà soát các quy hoạch của kỳ trước; khái quát được những vấn đề bất cập của đô thị hiện nay; nêu được tính chất, tầm nhìn của các dự báo; nói được vị trí, tầm quan trọng của TP Việt Trì với tỉnh và khu vực; nêu được những nội dung kế thừa, những nội dung cần điều chỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh một số vấn đề cần rà soát lại, liên quan đến việc đánh giá thực trạng, phân tích rõ hơn thuận lợi, khó khăn; rà soát các dự án đầu tư xem vướng những gì; rà soát các số liệu, nhất là hiện trạng dân số, từ đó có thêm căn cứ cho các dự báo.

Đối với định hướng phát triển không gian, đô thị xanh, không gian xanh, Thứ trưởng đề nghị cần phân tích thêm vấn đề xanh gắn với các đặc điểm tự nhiên để khẳng định tính phù hợp, khả thi. Nội dung về 08 phân khu chức năng, cần làm kỹ hơn vì đây sẽ là tiền đề cho quy hoạch phân khu sau này; xem xét lại phân khu ven sông xem có vướng mắc về quy hoạch nông nghiệp, đê điều.

Đồng thời cũng cần xem xét vấn đề cao độ nền để tránh ngập úng; vấn đề không gian ngầm đô thị cũng như việc thể hiện các nội dung trên bản vẽ phải chính xác. Địa phương thực hiện rà soát và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu, tuyệt đối tránh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm.

Trên cơ sở đó, các thành viên Hội đồng thống nhất thông qua đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Việt Trì đến năm 2040, với điều kiện có tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng nghiệm thu.

Bình luận