Định hướng tổ chức không gian phố đi bộ khu vực nội đô
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều đô thị đã tổ chức các mô hình không gian phố đi bộ, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh một số phố đi bộ đạt được kết quả tích cực, xuất hiện tình trạng một số trường hợp tuy đã được đầu tư đồng bộ nhưng sau khi đưa vào sử dụng lại nằm trong cảnh vắng lặng đìu hiu, chưa phát huy được hiệu quả trong thực tiễn. Rất cần các định hướng cụ thể và đồng bộ để giải quyết tốt vấn đề trên.
Nhu cầu và tiềm năng lớn tổ chức phố đi bộ trong đô thị
Trong bối cảnh các đô thị Việt Nam sau một thời gian đô thị hóa nóng dẫn đến hạ tầng nhiều đô thị trong một số trường hợp bị quá tải khá nghiêm trọng. Đặc biệt là với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, trong bối cảnh nhiều khu nhà cao tầng được phát triển nhanh chóng cả về số lượng và khối tích tầng cao dẫn đến tập trung một số lượng lớn các khu vực dân cư dẫn đến sự thiếu hụt các không gian công cộng phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao, giao lưu văn hóa cộng đồng…
Trước nhu cầu sử dụng của người dân là rất lớn, để khắc phục tình trạng thiếu hụt này, bên cạnh việc cải tạo, xây mới hệ thống các không gian công cộng trong khu vực nội đô, nhiều không gian phố đi bộ đã được tổ chức theo các năm tại trung tâm các đô thị. Cụ thể:
Tại TP Hà Nội, đô thị được dẫn đầu về số lượng phố đi bộ trên phạm vi cả nước, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức thí điểm không gian phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân, chỉ từ những năm 2016, trên cơ sở đề án “Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận” của UBND quận Hoàn Kiếm, không gian phố đi bộ mới lần đầu tiên trở thành hiện thực trên cơ sở tổ chức 16 tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm để tổ chức vào các ngày cuối tuần.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, sau 7 năm hoạt động, phố đi bộ Hồ Gươm đã trở thành thương hiệu, điểm đến của người dân và du khách trong, ngoài nước. Lượng du khách đến tham quan trung bình mỗi ngày có khoảng 3 - 5 nghìn người, buổi tối lên đến 15 - 20 nghìn người đến tham quan. Chỉ riêng năm 2018, đạt trên 7,5 nghìn tỷ đồng doanh thu và có xu hướng tăng đều theo các năm (không tính thời gian xảy ra đại dịch Covid-19).
Từ năm 2018, Hà Nội tiếp tục khai trương thêm 3 tuyến phố đi bộ mới như phố đi bộ Trịnh Công Sơn (2018), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (2022), khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc Ngũ Xã (2022), dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm không gian phố đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và vùng phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang…
Tại khu vực trung tâm TP.HCM, hiện đã có 4 tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực đang hoạt động gồm đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện (Quận 1), Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3), Kỳ đài Quang Trung (Quận 11). Ngoài khu vực quảng trường trên đường Nguyễn Huệ được tổ chức đi bộ toàn thời gian, các khu vực khác tổ chức đi bộ vào khung giờ nhất định dịp cuối tuần, ngày lễ, tết hoặc khi có sự kiện đặc biệt.
Đây có thể xem là con phố đi bộ được tổ chức rất thành công tại TP.HCM khi được biết đến là thiên đường ăn vặt, điểm check in view cực mê, phố chụp hình auto đẹp… Theo đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố vừa được Sở GTVT trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt gần đây nhất, trong giai đoạn từ 2022 - 2025, bên cạnh các tuyến phố hiện có sẽ có thêm 22 tuyến phố đi bộ mới được tổ chức trong khu trung tâm nội đô.
Đồng thời hệ thống hạ tầng đô thị như bãi đỗ xe, cây xanh, trang thiết bị đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối cũng sẽ được nghiên cứu tổ chức đồng bộ để đảm bảo khả năng sử dụng.
Đánh giá chung, do tình trạng quá tải hạ tầng khu vực nội đô và việc thiếu được đầu tư trong nhiều năm nên thực tế nhu cầu sử dụng các không gian công cộng nói chung, đặc biệt là các không gian phố đi bộ là rất lớn.
Cùng với đó, các không gian tuyến phố hiện hữu trong khu vực nội đô các đô thị như Hà Nội và TP.HCM với nhiều đặc trưng về văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan cũng luôn chứa đựng nhiều tiềm năng và sức hút rất lớn để tổ chức thành công tác tuyến phố đi bộ, thu hút người dân và khách du lịch, phát triển nâng cao đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội cho đô thị.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy hiện trạng bên cạnh một số tuyến phố đi bộ cấp đô thị sau khi được triển khai đạt được nhiều thành công như: Tuyến phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội); tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (TP.HCM)… nhiều tuyến phố đi bộ khác tại khu vực trung tâm đô thị sau khi được khai trương lại nằm trong tình trạng khách tham quan và người dân đến thưa thớt, các hàng quán, dịch vụ thương mại luôn trong tình trạng ế ẩm.
Điều này đặt ra việc cần sớm có những định hướng trong công tác tổ chức không gian phố đi bộ khu vực trung tâm các đô thị để có thể đóng góp thiết thực cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tham gia phát triển du lịch và kinh tế đô thị.
Định hướng tổ chức không gian phố đi bộ trong đô thị
Kinh nghiệm từ các đô thị phát triển trên thế giới, phát triển đồng bộ hệ thống không gian công cộng, đặc biệt bao gồm các không gian phố đi bộ trong các khu trung tâm đô thị thường mang đến các hiệu quả rất lớn về nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa tinh thần cho người dân, tạo dựng tính nhận diện và bản sắc đô thị, cùng với đó là khả năng thu hút khách du lịch, phát triển dịch vụ đô thị và kinh tế xã hội dung của đô thị. Để có được sự háp dẫn, về nguyên tắc chung, các không gian phố đi bộ phải đạt được đồng thời các tiêu chí:
(1) Có tính hấp dẫn về thẩm mỹ và văn hóa trên cơ sở truyền tải rõ nét bản sắc đô thị.
(2) Thuận tiện về giao thông tiếp cận đặc biệt ưu tiên phương thức giao thông công cộng.
(3) Thân thiện với người đi bộ, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật.
(4) Có tính tiện nghi và phong phú về dịch vụ và thương mại.
(5) Đảm bảo sự an toàn, hạn chế các tai nạn thương tích.
Dựa trên các tiêu chí trên, qua nghiên cứu đánh giá, rà soát thực tiễn, các trường hợp phố đi bộ tại trung tâm đô thị sau khi khai trương không đạt được công suất sử dụng như kế hoạch là do chưa đạt được 1 trong 4 tiêu chí, thậm chí có trường hợp là nhiều tiêu chí cùng lúc. Trong đó, tiêu chí số 1 và 4 chiếm đa số.
Do đó, một số định hướng chung trong tổ chức không gian phố đi bộ tại trung tâm các đô thị trên phạm vi cả nước bao gồm:
(1). Tổ chức các không gian phố đi bộ có tính thẩm mỹ, mang đặc trưng, nhận diện về văn hóa, kiến trúc cảnh quan trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị của hệ thống di tích lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị trên phạm vi tuyến phố.
Cải tạo và gìn giữ về đẹp kiến trúc mặt đứng của các công trình dọc theo tuyến phố theo hướng đa dạng trong sự thống nhất, hạn chế các kiến trúc xây mới “lai căng, học đòi” làm phá vỡ kiến trúc cảnh quan.
Do những khó khăn khách quan về tính sở hữu trong quản lý và tôn tạo công trình kiến trúc có giá trị nên đây là nội dung được cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, khắc phục tình trạng còn bỏ ngỏ như trong thời gian trước đây.
(2). Tránh hiện tượng triển khai manh mún, nhỏ lẻ, cần nghiên cứu trên quy mô toàn đô thị về cải tạo mở rộng và kết nối không gian phố đi bộ để đạt được các yêu cầu sử dụng, đồng thời tạo nên một tổng thể không gian phố đi bộ chung đa dạng, hấp dẫn, bản sắc.
Việc kết nối cho phép các không gian phố đi bộ gần nhau có sự bổ trợ về công năng và chức năng sử dụng, đồng thời cho phép tận dụng tiết kiệm cơ sở hạ tầng được đầu tư trên cơ sở gia tăng tần suất và khả năng sử dụng chung.
(3). Nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút, nghiên cứu sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật trang trí công cộng truyền thống và hiện đại như pano, áp phích, tượng điêu khắc, tranh hoành tráng, nhạc nước, đèn chiếu nghệ thuật…
Ưu tiên nội dung các tác phẩm có tính truyền thống, đương đại, có tính kết nối với địa điểm bố trí. Tổ chức hệ thống cây xanh (bao gồm cây xanh bóng mát và cây xanh trang trí) đồng bộ hấp dẫn, giúp không chỉ gia tăng tính sinh thái mà còn tạo dựng vẻ đẹp và tính tiện nghi sử dụng.
Thay thế các vật liệu kém bền vững tại các khu vực sân, lối đi, vỉa hè… bằng các loại vật liệu mới, có tính thẩm mỹ nghệ thuật và bền vững.
(4). Về công năng, áp dụng các xu hướng mới trong tổ chức không gian công cộng phổ biến hiện nay trên thế giới như: cô đọng và chuyên đề hóa, quốc tế hóa, bản địa hóa, công nghệ hóa, đa năng và linh hoạt hóa…
Tổ chức đa dạng các không gian vui chơi, giải trí, đi bộ, luyện tập thể thao, giao lưu văn hóa cộng đồng dành cho người dân có tính thân thiện với người đi bộ, trong đó đặc biệt ưu tiên với các nhóm yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật… đảm bảo phù hợp với tâm sinh lý và việc sử dụng tiện nghi.
(5). Để đạt được tính tiện nghi, lưu ý tổ chức tốt hệ thống lối đi bộ, nhà vệ sinh công cộng, đèn chiếu sáng đạt chuẩn, vốn hiện là vấn đề còn nhiều tồn tại trong các không gian phố đi bộ hiện nay.
Với những không gian phố đi bộ chịu ảnh hưởng tác động mạnh của thời tiết, nghiên cứu áp dụng hệ thống cây xanh bóng mát, mái che cố định hoặc di động… Các kinh nghiệm mái chìa tích hợp trên mặt tiền một số công trình xây dựng thời Pháp thuộc có thể đồng thời che mát cho khách bộ hành trên các vỉa hè phố Tràng Tiền (Hà Nội) và Đồng Khởi (TP.HCM) có thể là ví dụ rất tốt.
(6). Tổ chức đa dạng hệ thống các hình thức thương mại và dịch vụ để có thể đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu sử dụng của khách du lịch và người dân.
Ưu tiên tổ chức linh hoạt và sáng tạo nhiều hình thức dịch vụ thương mại theo các phương thức tổ chức mới như: kết hợp cả trong nhà và ngoài trời, ngầm hóa, hoặc tích hợp trong các khối đế của các công trình cao tầng tại một số vị trí có thể cho phép.
(7). Tổ chức không gian phố đi bộ gắn nhằm tái hiện và tạo mối liên hệ khám phá với các câu chuyện lịch sử của địa phương. Nghiên cứu kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa lịch sử, đặc biệt là các lễ hội truyền thống, sự kiện âm nhạc, văn hóa cộng đồng thu hút đa dạng các lứa tuổi người dân và khách tham quan du lịch.
Trong thời gian đầu, để hạn chế đầu tư tràn lan gây lãng phí cũng như cản trở cuộc sống thường nhật của người dân, thí điểm thực hiện vào một số thời điểm trong tuần như ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết…
(8). Tổ chức hệ thống giao thông tiếp cận đồng bộ, trong đó ưu tiên hệ thống các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị… Tổ chức đầy đủ hệ thống bãi đỗ xe đồng bộ đáp ứng nhu cầu cho người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để tiết kiệm diện tích đất vàng đô thị.
(9). Tổ chức đảm bảo hạn chế các tai nạn thương tích, trong đó, các không gian vui chơi, giao lưu văn hóa cộng đồng hạn chế tối đa phương tiện cơ giới chạy cắt ngang bên trong không gian phố đi bộ. Các công trình, thiết bị phụ trợ (ghế ngồi, đường dốc…) phải đạt chuẩn hạn chế các tai nạn thương tích trong quá trình sử dụng.
Kết luận chung
Việc tổ chức đồng bộ hệ thống các không gian phố đi bộ tại khu vực trung tâm các đô thị hiện nay là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân mà còn góp phần tạo dựng bản sắc đô thị, phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của đô thị.
Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống các không gian phố đi bộ tại các khu vực trung tâm đô thị cần tránh tổ chức theo phong trào mà cần có sự nghiên cứu đánh giá các điều kiện theo 5 tiêu chí cụ thể, từ đó các quy hoạch tổ chức không gian và kế hoạch triển khai thực tiễn cụ thể để đảm bảo được hiệu quả cao nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. ThS.KTS Phạm Hoàng Phương, “Xu hướng và nhu cầu sử dụng không gian công cộng, áp dụng các kinh nghiệm quốc tế với thực tiễn tại Việt Nam”, tham luận hội thảo Không gian công cộng trong đô thị Việt Nam, thực trạng và giải pháp, 8/2023.
[2]. ThS.KTS Phạm Hoàng Phương, “Chuyên đề kinh nghiệm quốc tế - Đề tài nghiên cứu không gian công cộng trong đô thị Việt Nam”, 2022.
[3]. PGS.TS Lương Tú Quyên, ThS.KTS Phạm Thị Ngọc Liên, “Tổ chức không gian phố đi bộ trung tâm Hà Nội”, Tạp chí Kiến trúc số 6/2022.