Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội về việc áp dụng định mức chi phí quản lý dự án và chi phí giám sát công tác quản lý lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Về thẩm quyền quyết định chi phí giám sát, chi phí quản lý: Theo nội dung văn bản số 8626/SXD-KTXD, Sở Xây dựng Hà Nội được giao quản lý hạ tầng kỹ thuật (bao gồm các lĩnh vực: cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, công viên cây xanh, vườn hoa, chiếu sáng công cộng); các nhiệm vụ quản lý, theo dõi giám sát công tác duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật nêu trên được giao cho Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội (là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Xây dựng) thực hiện.
Hiện nay, chi phí thực hiện quản lý, giám sát lĩnh vực duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị; duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị được hướng dẫn tại Thông tư số 14/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.
Theo đó, khoản 6 của Thông tư quy định: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán các chi phí giám sát, chi phí quản lý dịch vụ công ích đô thị; tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt đơn giá và dự toán các chi phí trên”.
Đối với các lĩnh vực dịch vụ hạ tầng kỹ thuật khác (như cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải…) thì chưa có hướng dẫn về các chi phí này tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Do đó, đối với đề xuất xác định định mức làm cơ sở lập dự toán chi phí giám sát, chi phí quản lý cho các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nêu tại văn bản số 8626/SXD-KTXD, đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức hoạt động của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội.
Phạm vi, yêu cầu các nhiệm vụ phải thực hiện quản lý, giám sát và các quy định pháp luật có liên quan để báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Về nội dung đánh giá tổng kết và đề xuất áp dụng định mức chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát công tác quản lý lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nêu tại văn bản số 8626/SXD-KTXD (và các tài liệu kèm theo) để phục vụ công tác quản lý chi phí cho năm 2023 và các năm tiếp theo chưa có ý kiến của các cơ quan chuyên môn của UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng lưu ý một số nội dung.
Trong đó, đối với đề xuất áp dụng định mức chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát thi công thuộc lĩnh vực xây dựng (theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng) để tính toán, xác định nguồn chi phí quản lý, chi phí giám sát cho công tác quản lý, giám sát đối với lĩnh vực duy tu, duy trì hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công ích trên địa bàn là chưa đủ cơ sở để đánh giá sự phù hợp về yêu cầu đặc thù, về phạm vi, tính chất công việc, về điều kiện thực hiện của chi phí quản lý, giám sát...;
Việc lập dự toán hoặc xác định định mức để lập dự toán chi phí quản lý, chi phí giám sát theo yêu cầu quản lý của địa phương cần thực hiện trên cơ sở các căn cứ pháp lý, quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời phải xác định rõ phạm vi, nội dung yêu cầu của công việc; quy trình, trình tự thực hiện quản lý, giám sát, đánh giá kết quả đã thực hiện qua các năm (tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn kinh phí, chất lượng giám sát, quản lý…).
Phù hợp với mô hình quản lý (cơ chế tài chính; chức năng, nhiệm vụ; chỉ tiêu biên chế được giao; khối lượng công việc thực tế…) và các khoản chi theo quy định (tiền lương, tiền công, trích lập các quỹ, chi thu nhập tăng thêm …). Việc chi tiêu, thanh toán, quyết toán chi phí quản lý, chi phí giám sát thực hiện theo các quy định hiện hành.