Ngày 13/12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị nghiệm thu đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cùng đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng nghiệm thu.
Tập trung nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, đồ án thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Nhiệm vụ Quy hoạch.
Thứ trưởng lưu ý một số nội dung như, phạm vi ranh giới cần đảm bảo mục tiêu quy hoạch đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính và phù hợp với các quy hoạch cấp trên; bổ sung đánh giá thực trạng phát triển, so sánh các tiêu chí so với tiêu chí của đô thị loại III; rà soát, phân tích thêm các yếu tố về vị trí, vai trò và hạ tầng trong mối liên hệ vùng của đô thị loại III.
Quy hoạch đưa ra nhiều điểm mới, sáng tạo, trong đó đáng chú ý là mô hình kinh tế nông nghiệp (nông nghiệp kết hợp với du lịch), Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn lưu ý cần có số liệu cụ thể hơn, phân tích rõ hơn để xác định động lực cho phát triển. Bên cạnh đó, về phát triển công nghiệp, cần làm rõ hơn tính chất công nghiệp hay chỉ đơn thuần là chế biến nông sản.
Đối với các dự báo về dân số và đất đai, Thứ trưởng cho biết, hiện chỉ tiêu về đất đai đang được dự báo cao hơn so với Nhiệm vụ Quy hoạch, trong khi chỉ tiêu dân số giữ nguyên như cũ, điều này cho thấy sự chưa phù hợp so với Nhiệm vụ Quy hoạch và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, do đó cần tính toán lại để đảm bảo tính khả thi; đồng thời thực hiện rà soát lại các dự án ưu tiên; tập trung nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 phát triển đô thị Chũ thành thị xã…
Liên quan đến đồ án Quy hoạch, tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng nghiệm thu lưu ý một số nội dung, phạm vi lập quy hoạch cần bám sát nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch, lưu ý phạm vi không bao gồm thôn Khuôn Rẽo, xã Thanh Hải; tiếp tục rà soát các căn cứ chính trị, pháp lý liên quan; rà soát các nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, mật độ dân cư, yêu cầu của các nghị quyết liên quan; đánh giá hiện trạng, lưu ý về tỉ lệ đô thị hoá.
Đối với mục tiêu phát triển Chũ thành thủ phủ trái cây của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cần có thêm các căn cứ pháp lý liên quan đến việc xác định tính chất, vai trò của đô thị Chũ; bên cạnh đó cần làm rõ hơn thực trạng đất đơn vị ở, đất đơn vị ở mới… để tiệm cận với chỉ tiêu theo quy định; cần làm rõ hơn mô hình đô thị kết hợp với nông nghiệp, dịch vụ; rà soát lại quy hoạch sân golf cũng như tính chất đất sân golf được sử dụng là đất du lịch hay đất cây xanh chuyên đề; xem xét lại tỉ trọng đất du lịch trong đồ án; tỉ trọng đất giao thông cũng cần đảm bảo theo tiêu chuẩn…
Một số nội dung khác cần lưu ý, thực hiện di dân khỏi các khu vực hay sạt lở; có hành lang bảo vệ kênh rạch; lưu ý tăng tỉ lệ giao thông công cộng để đáp ứng tiêu chí đô thị loại III; một số khu vực trũng, ngập nước cần tăng cường hồ điều hoà để chống ngập; tăng cường các cơ sở xử lý nước thải, nhất là khu vực sản xuất mì Chũ;..
Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển du lịch văn hóa
Trước đó, theo dự thảo Quy hoạch được tư vấn trình bày tại Hội nghị, phạm vi, ranh giới khu vực lập quy hoạch gồm 10 đơn vị hành chính của huyện Lục Ngạn, có diện tích tự nhiên 25.155 ha.
Ranh giới cụ thể phía Bắc giáp các xã Sơn Hải, Biên Sơn, Thanh Hải - huyện Lục Ngạn và các xã Hòa Sơn, Tân Thành - huyện Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn và các xã Trường Giang, Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; phía Đông giáp các xã Tân Lập, Tân Quang, Giáp Sơn, Biên Sơn và Trung tâm huấn luyện Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp các xã Cương Sơn, Đông Phú, Đông Hưng thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và xã Tân Thành thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Thời hạn lập quy hoạch: ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Về tính chất, đô thị Chũ được xác định là đô thị trung tâm vùng phía Đông và là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất cây ăn quả đặc sản chất lượng cao; là đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nông - lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
Đồng thời là đô thị phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng; trung tâm dịch vụ hậu cần vận tải (logistics), công nghiệp kho vận và dịch vụ xuất khẩu khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang.
Quy mô dân số, đến năm 2030 khoảng 150.000 người; đến năm 2045 khoảng 240.000 người.
Quy mô đất đai, đến năm 2030, đất dân dụng khoảng 1.191 ha, đạt bình quân khoảng 86,2 m²/người; đến năm 2045, đất dân dụng khoảng 1.954 ha, đạt bình quân khoảng 81,43 m²/người.
Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng đô thị Chũ trở thành một thành phố “sinh thái nông nghiệp và du lịch” với các trung tâm dịch vụ cấp vùng về chuyển giao khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp; tài chính - ngân hàng dịch vụ thương mại, bán buôn bán lẻ, đầu mối phân phối hàng nông - lâm sản quy mô lớn phục vụ thị trường trong và ngoài nước; trung tâm văn hóa lễ hội - thể thao - dịch vụ du lịch vùng phía Đông tỉnh.
Xây dựng đô thị Chũ là đô thị vệ tinh, chia sẻ, bù trừ về không gian sinh thái, môi trường tự nhiên, kết nối văn hóa, du lịch với vùng công nghiệp - đô thị của tỉnh Bắc Giang, liên kết với vùng Thủ đô Hà Nội vùng Đông Bắc Bộ.
Cũng theo đồ án, đô thị Chũ phát triển theo mô hình thành phố gắn với các khu nông nghiêp đô thị và du lịch, có cấu trúc đa cực - đa trung tâm gắn kết với địa hình tự nhiên; gồm có 1 cực trung tâm và 4 cực phát triển theo nét đặc trưng riêng tại các phía: Bắc, Nam, Tây, Đông.
Các cực được liên kết với nhau bởi các trục giao thông chính và đối ngoại, có không gian mở và được khuyến khích đưa không gian xanh đến các khu chức năng, được gia tăng khả năng thích ứng với các khu sản xuất nông nghiệp bằng các vành đai hạ tầng.
Định hướng khu vực nội thị, ngoại thị: Đến năm 2030, khu vực nội thị bao gồm 05 đơn vị hành chính: Thị trấn Chũ, các xã Phượng Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải, Hồng Giang. Đến năm 2045, khu vực nội thị bao gồm các đơn vị hành chính thuộc giai đoạn 2030 và bổ sung các đơn vị hành chính phường, xã Mỹ An, Nam Dương và Quý Sơn.
Khu vực ngoại thị: Đến năm 2030, khu vực ngoại thị bao gồm các xã Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Kiên Lao, Kiên Thành. Đến năm 2045, khu vực ngoại thị bao gồm các xã Kiên Lao và Kiên Thành.
Dự thảo cũng nhấn mạnh việc tập trung ưu tiên cho các dự án có thế mạnh, động lực, tiềm năng cho phát triển kinh tế của địa phương như: Khu đô thị, du lịch sinh thái thể thao Khuôn Thần tại xã Kiên Lao; làng nghề mỳ Chũ tại xã Nam Dương; các cụm công nghiệp, khu nghiên cứu R&D; dịch vụ logistics, khu đô thị, dịch vụ thương mại cấp vùng và dịch vụ du lịch cấp vùng...
Kết thúc Hội nghị, các thành viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất trình Chính phủ phê duyệt đồ án, với điều kiện địa phương và đơn vị tư vấn sớm tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.