Đô thị chuyển đổi số - cần một quy chuẩn thống nhất

06:51 28/06/2022
Bản chất của đô thị thông minh (ĐTTM) là đô thị ứng dụng công nghệ số. Việt Nam là nước đang phát triển, cho nên công tác mở rộng đô thị, phát triển hạ tầng đang diễn ra rất mạnh. Vì vậy, cách tiếp cận ĐTTM cũng sẽ khác. Một ĐTTM phải được xây dựng một cách thông minh. Không thể bê nguyên từ các nước phát triển về áp dụng và bảo là thông minh.

Hạ tầng số - hệ thần kinh của đô thị 

Từ những năm 2015 trở lại đây mới có câu chuyện chuyển đổi số. Thực chất thì ĐTTM chính là đô thị chuyển đổi số. Việc xây dựng ĐTTM chính là xây dựng đô thị chuyển đổi số. 

Theo Trung tâm Thông tin của Bộ Xây dựng, hiện nay, Trung tâm đang tập trung ưu tiên để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Đại diện Trung tâm Thông tin cũng cho biết, về việc chuẩn hoá dữ liệu sẽ được thực hiện theo hai bước. Đầu tiên là xây dựng và ban hành các chuẩn dữ liệu dành cho các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đây là một trong những công tác hết sức quan trọng, bởi vì khi đã chuẩn hoá được dữ liệu dành cho các cơ sở dữ liệu chuyện ngành thì chúng ta sẽ có được khung quản lý đối với đối tượng dữ liệu chuyên ngành từ trung ương đến địa phương.

Khi đó, kể cả dưới địa phương có triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, hoặc có thể triển khai bằng công nghệ gì, thuê đơn vị nào thì cũng không ảnh hưởng tới công tác quản lý của Bộ. Sau khi đã xây dựng và ban hành chuẩn hoá dữ liệu của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì bước tiếp theo là sẽ thực hiện số hoá tất cả nội dung dữ liệu chúng ta đang có. 

Trong một buổi toạ đàm trực tuyến gần đây, TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Vinasa chia sẻ: “Hạ tầng số được ví như hệ thần kinh của đô thị. Và hạ tầng này phải thống nhất giống như cơ thể con người. Tức là nó phải là một hạ tầng được thiết kế thống nhất dùng chung. Hệ thống thông tin phải thống nhất dùng cho tất cả các ngành, chứ không phải mỗi sở lại có một thông tin riêng rồi tìm cách nối với nhau.

Trên nền tảng hạ tầng thông tin thống nhất dùng chung này, chúng ta sẽ thông minh hoá các hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, cây xanh, chiếu sáng, cấp thoát nước… Cũng trên nền tảng hạ tầng thông tin này chúng ta thông minh hoá hạ tầng kinh tế - xã hội như là y tế thông minh, giáo dục thông minh… và trong Đề án 950 khẳng định luôn ĐTTM là phải thông minh từ quy hoạch”. 

TS Nguyễn Nhật Quang cũng nhấn mạnh rằng, một giải pháp ĐTTM là phải là kết hợp nhuần nhuyễn giải pháp công trình, giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý. Dùng công nghệ số để thông minh hoá, nâng cao hiệu quả của hệ thống vật lý hiện có. Ví dụ không phải xây dựng hệ thống y tế số để thay cho hệ thống y tế thực, hay là dùng hệ thống giáo dục số thay cho hệ thống giáo dục thực… Và nguyên tắc chung, xuất phát từ thực tế, trên tinh thần cái gì mới thì cần thông minh ngay từ đầu, cái gì nâng cấp, cải tạo thì cần bao gồm thông minh hóa. 

Cần tiêu chí chung

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số có lẽ vướng mắc và gặp khó chính là thiếu cơ chế chính sách và thiếu khung chung, không có tiêu chí, tiêu chuẩn để gúp các địa phương phê duyệt và đánh giá về ĐTTM. Nếu làm không đồng bộ, không phù hợp thì nguồn lực đầu tư chưa đến nơi, dở dang và không hiệu quả. 

Mỗi đô thị có một đặc thù phát triển khác nhau, họ sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Do đó, việc xây dựng quy chuẩn thống nhất để các địa phương có cơ sở tham chiếu vào là cần thiết. Việc này tránh được câu chuyện nhà đầu tư và các chính quyền cùng hô khẩu hiệu “chúng tôi là ĐTTM”. Không chỉ vậy, bộ tiêu chí còn giúp  các địa phương có cơ sở để phấn đấu đạt đến. Nó không chỉ đánh giá sau khi hoàn thành mà ngay ở bước xây dựng đền án ĐTTM đã có thể đánh giá được rồi.

Trên thực tế, có những đơn vị xây dựng dự thảo đề án xong lấy ý kiến chuyên gia, chưa nói ngoài việc đơn vị thiết kế đã theo ý họ rồi thì tới lượt các chuyên gia mỗi người một kiểu tuỳ theo chuyên môn của họ. Chuyên gia công nghệ thì sẽ đánh giá theo công nghệ, chuyên gia xã hội sẽ đánh giá theo nội dung xã hội… Điều này gây khó khăn cho các đơn vị khi quyết định lựa chọn và cũng gây kéo dài thời gian xây dựng đề án lên rất nhiều.

Theo ông Lê Hoàng Trung - Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng): “Chúng ta chỉ hướng dẫn địa phương chứ không bắt buộc đô thị nào cũng phải là ĐTTM do họ có nhiều cách tiếp cận. Cho nên quan điểm là nên làm sổ tay hướng dẫn. Sau khi có sổ tay hướng dẫn các đô thị làm, chúng tôi sẽ tổng hợp đánh giá và ban hành thành các văn bản thông tư giống như nghị định hoặc lồng vào các văn bản liên quan đến Luật Xây dựng sau này.

Trong năm 2022, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng các bộ tiêu chí nhận diện về ĐTTM. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng hai bộ tiêu chí: Một là tiêu chí nhận diện ĐTTM đánh giá theo cấp độ đô thị và hai là với cấp độ theo khu đô thị. Chúng ta không đánh giá ĐTTM toàn phần mà chỉ đánh giá cấp độ ĐTTM theo các khía cạnh, ĐTTM theo các mức độ như thông minh bậc 1, bậc 2… Nghĩa là có từng thang bậc để đánh giá. Câu chuyện thông minh không phải là điểm cuối mà có sự nâng bậc. Làm sao ta lượng hoá được cho các địa phương lấy cái đó soi chiếu vào để có mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo”.

Trước đó, trong tháng 5/2022, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình triển khai Đề án ĐTTM. Văn bản này được gửi đi trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; trong đó Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT đánh giá sơ kết tình hình triển khai ĐTTM tại Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan báo cáo tình hình phát triển ĐTTM tại địa phương trước và sau khi ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950).

Nội dung các địa phương báo cáo phải chi tiết các công việc đã triển khai trước khi Đề án 950 được ban hành và các thông tin chung trong triển khai ĐTTM kể từ sau khi Đề án 950 được ban hành.

Bên cạnh đó, báo cáo cần phải khái quát tình hình tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Đề án 950 đồng thời báo cáo kinh phí thực hiện các nội dung liên quan tới phát triển ĐTTM.

Ngoài ra, các địa phương cũng báo cáo khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, văn bản quy phạm pháp luật... trong quá trình triển khai xây dựng ĐTTM, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị để quản lý, phát triển đô thị tốt hơn.

 

Bình luận