Sáng 28/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh đến năm 2045.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.
Sự cần thiết phải mở rộng đô thị Hà Tĩnh
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, TP Hà Tĩnh là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh; trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, là đầu mối giao thông của tỉnh Hà Tĩnh và liên tỉnh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX tiếp tục xác định 1 trong 5 chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2020-2025 là "Đầu tư phát triển, chỉnh trang và nâng cao chất lượng đô thị; xây dựng TP Hà Tỉnh có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đầu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ".
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 175/QĐ-TTg công nhận TP Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Đối chiếu với Điều 5 Nghị quyết 1211 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định thành phố loại III, II, I trực thuộc tỉnh phải có diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên, quy mô dân số là 200.000 người. Trong khi hiện nay thành phố là đô thị loại II có diện tích 56,55 km2. Do đó cần thiết phải mở rộng diện tích để đảm bảo yêu cầu quy định cũng như nhu cầu phát triển trong thực tiễn...
Theo dự thảo, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP Hà Tĩnh, 11 xã của huyện Thạch Hà, 02 xã của huyện Cẩm Xuyên và 01 xã của huyện Lộc Hà (đô thị Hà Tĩnh). Tổng diện tích tự nhiên khu vực lập quy hoạch là 22.000,08 ha.
Ranh giới cụ thể: Phía Bắc giáp các xã: Mai Phụ, Thạch Mỹ, Thạch Châu, Thạch Kim và thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà; phía Nam giáp các xã: Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Quang, Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên; phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Sơn, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Xuân, Nam Điền, huyện Thạch Hà.
Thời hạn lập quy hoạch: ngắn hạn đến năm 2035; dài hạn đến năm 2045.
Đô thị Hà Tĩnh được xác định tính chất là một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ; có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; hỗ trợ cho sự phát triển của vùng liên tỉnh; là động lực chính thúc đẩy quan hệ quốc tế, đặc biệt với nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan và khu vực ASEAN.
Đồng thời là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, khoa học - kỹ thuật, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh. Có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường, kết nối quốc gia và vùng, các đô thị, các vùng sản xuất, khai thác cảnh quan sông và từng bước gắn với phát triền kinh tế biển.
Ngoài ra, là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế trung tâm của tỉnh Hà Tĩnh, với động lực phát triển chính là công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - nghí dưỡng, có sức lan tóa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác trong tỉnh.
Dự báo đến năm 2035, dân số đô thị Hà Tĩnh khoảng 300.000-340.000 người; đến năm 2045 khoảng 400.000-450.000 người.
Dự báo đến năm 2035, đất dân dụng khoảng 1.080-1.200 ha; đến năm 2045 khoảng 1.710-1.980 ha.
Rà soát, đánh giá hiện trạng để xây dựng mục tiêu, tính chất phù hợp
Tại Hội nghị, Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề nghị cơ quan lập quy hoạch bổ sung cơ sở chính trị, pháp lý liên quan; đồng thời đưa ra dự báo, mục tiêu, quan điểm phát triển rõ ràng hơn.
Đồng thời thực hiện việc rà soát, xác định các tồn tại, trong đó chú ý đến công tác phát triển hạ tầng đô thị, tình trạng ngập úng, ngập lụt mùa mưa, xã tràn hồ Kẻ Gỗ; thực trạng nhiều nghĩa trang phân tán, giao thông chia cắt…
Vụ Quy hoạch Kiến trúc cũng lưu ý địa phương rà soát kỹ, khẳng định trách nhiệm của UBND tỉnh về các số liệu báo cáo, các dự án đã thực hiện; chuẩn hoá, thống nhất hệ thống bản đồ, sơ đồ; có giải pháp hoàn thiện một số tiêu chí chưa đạt, hoặc đạt thấp của đô thị loại II; làm rõ tiêu chí đặc thù được áp dụng; dự báo dân số trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.
Ngoài ra, đối với nội dung về mục tiêu phát triển, cần làm rõ việc chia sẻ không gian phát triển để tránh lãng phí nguồn lực; làm rõ tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị Hà Tĩnh trong chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 1, với vị thế là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ…
Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị địa phương rà soát kỹ với quy hoạch khoáng sản, tránh chồng chéo, ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch; bổ sung các căn cứ liên quan đến quy hoạch đất Quốc phòng trên địa bàn; rà soát đảm bảo thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia; bổ sung tính chất cấp vùng của đô thị Hà Tĩnh; xác định nguồn lực mang tính khả thi để thực hiện quy hoạch; rà soát số liệu thống nhất với Đề án mở rộng TP Hà Tĩnh đã thực hiện trước đó.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thống nhất quan điểm về sự cần thiết phải mở rộng đô thị Hà Tĩnh để phù hợp với quy định và yêu cầu phát triển trong thực tiễn.
Thứ trưởng lưu ý cơ quan lập quy hoạch thực hiện rà soát theo các quy hoạch liên quan, để từ đó xây dựng nhiệm vụ quy hoạch sát thực tiễn, cũng như bổ sung luận cứ cho các mục tiêu, tính chất nêu tại Nhiệm vụ Quy hoạch; có lộ trình thực hiện phù hợp, bổ sung mốc giai đoạn 2030 để so sánh, phù hợp với Quy hoạch tỉnh, và có thêm cơ sở rà soát quy hoạch theo quy định.
Liên quan đến các dự báo, Thứ trưởng đề nghị tính toán thêm về các dự báo đất đai, dân số cho phù hợp; đặt mục tiêu đến 2030 trả nợ hết các tiêu chí của đô thị loại II theo phạm vi ranh giới mới, để phấn đấu đến 2045 đạt tiêu chí đô thị loại I.
Ngoài ra, cần rà soát theo quy chuẩn các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo thống nhất với các chương trình, đề án và quy hoạch liên quan.
Đặc biệt, lưu ý rà soát các dự án đô thị của TP Hà Tĩnh theo phạm vi hiện trạng và phụ cận, tránh hợp thức hoá các công trình, dự án có sai phạm. UBND tỉnh chịu trách nhiệm hoàn toàn về các số liệu báo cáo.
Kết quả, Hội đồng thẩm định thống nhất đánh giá hồ sơ đủ điều kiện theo yêu cầu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Ngày 16/10/2024, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị đánh giá Đề án phân loại đô thị TP Hà Tĩnh mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II.
Phạm vi Đề án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP Hà Tĩnh và 14 xã giáp ranh liền kề thuộc các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên.
Cụ thể gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 11 xã (Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương và Thạch Đài) thuộc huyện Thạch Hà; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 02 xã (Cẩm Vịnh và Cẩm Bình) thuộc huyện Cẩm Xuyên; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hộ Độ thuộc huyện Lộc Hà.
Kết quả, 100% thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án, với 83,3/100 điểm; trong đó không có tiêu chí nào đạt dưới mức tối thiểu. Khu vực các xã dự kiến thành lập phường cũng đã đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc đô thị loại II.