Đô thị sinh thái và tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa, sự tăng trưởng nhanh chóng dân số đô thị, kèm theo những ảnh hưởng tiêu cực bởi công nghiệp và ô nhiễm môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu cùng nhiều rủi ro thiên tai. Việc tìm kiếm mô hình đô thị phù hợp, vận hành hiệu quả, bền vững là mối quan tâm chung của cộng đồng, các nhà nghiên cứu, lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách. Mô hình “đô thị sinh thái” đưa ra nhiều đề xuất tiếp cận theo cách giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động xây dựng đô thị đối với tự nhiên, không chỉ tạo nên sự phát triển cân bằng, sử dụng hiệu quả năng lượng mà còn bảo đảm xây dựng một môi trường sống lành mạnh bền vững ở cả 3 khía cạnh môi trường - kinh tế - xã hội.
Đô thị sinh thái được coi là một trong những chìa khóa cơ bản hướng tới mục tiêu một xã hội sử dụng hiệu quả năng lượng (hạn chế hoặc không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; ít carbon), một chính sách đô thị bền vững thân thiện với môi trường, dựa trên triết lý “xây dựng lại thành phố trong sự cân bằng với tự nhiên”. Nói rộng hơn, đô thị sinh thái nhấn mạnh đến cấu trúc và chức năng có khả năng phục hồi, tự duy trì của môi trường tự nhiên và hệ sinh thái. Nó cung cấp một môi trường lành mạnh cho con người mà không tiêu tốn nhiều tài nguyên tái tạo hơn những gì nó thay thế. [1]
Đến khoảng thế kỷ 19, do ảnh hưởng và sự bùng nổ mạnh mẽ, đột ngột của Cuộc cách mạng Công nghiệp, các đô thị bắt đầu mở rộng phạm vi, phát triển với tốc độ nhanh chóng thiếu sự kiểm soát kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực đối với môi trường, chất lượng sống đô thị. Thời điểm này, chủ các nhà máy dệt lớn và các nhà máy sắt thép bắt đầu lo lắng và quan tâm đến sức khỏe của lực lượng lao động (tình trạng lao động vắng mặt, ốm đau do điều kiện sống không đảm bảo1, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động). Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cải thiện và giải quyết vấn đề. Làm thế nào để môi trường lành mạnh hơn, các khu nhà ở tốt hơn cùng không gian xanh được cải thiện. Bắt nguồn từ đó, nhiều ý tưởng ra đời, ví dụ: mô hình thành phố vườn của Ebenezer Howard - được đề xuất trong cuốn “Tomorrow: a Peaceful Path to Real Reform" (1898); sau đó được tái bản vào năm 1902 với tên mới là "Garden Cities of Tomorrow”, đơn vị ở C.Perry, thành phố tuyến tính của Arturo Soria Y Mata… Có thể nói những quan điểm, mô hình học thuyết này chính là nỗ lực đem lại những cách thức để các đô thị đang tăng trưởng nhanh trở nên hài hòa hơn với hệ sinh thái của các khu vực xung quanh, đồng thời cải thiện được các điều kiện xã hội. Tiếp bước phát triển, những năm đầu thế kỷ 20, có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo có giá trị và có những ảnh hưởng không nhỏ thúc đẩy sự ra đời của trào lưu “đô thị sinh thái”. (bảng 1).
Tuy nhiên, thuật ngữ “thành phố sinh thái” thực sự xuất hiện và được công bố công khai lần đầu tiên năm 1987 bởi Richard Register3 trong cuốn “Ecocity Berkeley: Building Cities for a Healthy Future". Là người tiên phong cho phong trào “sinh thái đô thị - Urban ecology”- Ecocity4, ông thành lập Khoa Đô thị sinh thái ở Berkeley - Mỹ vào năm 1975, và đã tổ chức một số hội thảo địa phương để biến đổi Berkeley thành một đô thị sinh thái. Nhóm sinh thái học đô thị sau này được chuyển thành Ecocity Builders, một tổ chức phi chính phủ gắn trách nhiệm môi trường với phát triển đô thị thông qua giáo dục cộng đồng và tư vấn với các chính phủ và các nhà quy hoạch. (hình 1)
Năm 1990, những gì do Register và The Ecocity Builders khởi xướng đã trở thành một thành phần quan trọng của phong trào Ecocity; Ecocity World Summit5, Hội nghị toàn cầu tiên phong và kéo dài nhất bàn về vấn đề sinh thái đô thị và các thành phố bền vững [7]. Được tổ chức lần đầu tiên tại Berkeley, Mỹ với tên gọi Hội thảo Đô thị sinh thái quốc tế, thu hút hơn 700 người tham dự từ khắp thế giới, thảo luận về các vấn đề đô thị cùng các đề xuất hướng tới mục tiêu định hình các đô thị dựa trên nguyên tắc sinh thái [8]. Kể từ năm 1990, hội nghị đã trở thành một trong những diễn đàn quan trọng nhất về phát triển bền vững. Các nguyên tắc của phong trào Ecocity khá đơn giản: mọi người có thể sống, làm việc, mua sắm tại các cửa hàng, vui chơi trong một khoảng cách gần và giao thông là thứ mà người dân cần sử dụng khi họ đang ở chỗ mà họ không muốn ở. Lựa chọn giao thông đầu tiên trong Ecocity phải là đi bộ, xe đạp là thứ hai, thứ ba là phương tiện giao thông công cộng, và cuối cùng mới đến các xe ô tô [9]. Hay nói một cách đơn giản, nguyên lý cốt lõi mà phong trào Ecocity hướng tới đó là xây dựng thành phố cho con người chứ không phải dành cho ô tô [10].
Năm 1996, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới chính thức ban hành một chương trình có tên là “Thành phố sinh thái” (Ecological City), trong đó đề cập đến khái niệm “Thành phố sinh thái”- với các tiêu chí cụ thể nhắm tới việc nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho các cư dân đô thị. Có thể nói, làn sóng quan tâm đến các thành phố sinh thái đã giúp cho khái niệm “Ecocity” tiến triển và chín muồi.
Thuật ngữ “đô thị sinh thái” cho đến nay chủ yếu được sử dụng với các phong trào nhằm hiện thực hóa các giải pháp đô thị mới, nhất quán những lựa chọn thay thế cho sự phát triển hiện tại. Ngày nay, đô thị sinh thái ngày càng phổ biến và có nhiều khái niệm và định nghĩa theo nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Khái niệm đô thị sinh thái theo các tổ chức quốc tế
• Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Đô thị sinh thái là đô thị mà trong quá trình tồn tại và phát triển của nó không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, không làm suy thoái môi trường, không gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người sống, sinh hoạt và làm việc trong đô thị.
• Ngân hàng Thế giới (World Bank): Đô thị sinh thái là đô thị đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường và bền vững về kinh tế, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, tiến tới xây dựng một xã hội bền vững về văn hóa”. [11]
• Tổ chức Sinh thái đô thị Úc: Một thành phố sinh thái là thành phố đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên, hay cụ thể hơn là sự định cư cho phép các cư dân có điều kiện chất lượng cuộc sống tốt nhưng chỉ sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. [12]
• Tổ chức phi lợi nhuận Urban Ecology (2012), định nghĩa thành phố sinh thái là nơi định cư của con người, nơi có thể đem lại cuộc sống chất lượng tốt cho cư dân mà chỉ sử dụng tối thiểu tài nguyên thiên nhiên. [2]
• Theo Ecocity Builders và nhóm cố vấn tiêu chuẩn Thành phố sinh thái quốc tế (2010): Đô thị sinh thái là nơi định cư của con người được mô hình hóa dựa trên cấu trúc, chức năng có khả năng phục hồi, tự duy trì của hệ sinh thái tự nhiên. Đô thị sinh thái mang lại cuộc sống lành mạnh cho cộng đồng mà không tiêu tốn nhiều tài nguyên tái tạo hơn mức nó tạo ra. [7]
Quan điểm của các nhà nghiên cứu
• Richard Register: Một hệ thống môi trường đô thị trong đó đầu vào (tài nguyên) và đầu ra (chất thải) phải được giảm thiểu [13]. Hay “Thành phố sinh thái bền vững” là các đô thị mật độ thấp, dàn trải, được chuyển đổi thành mạng lưới các khu dân cư đô thị mật độ cao hoặc trung bình có quy mô giới hạn được phân cách bởi các không gian xanh. Hầu hết mọi người sinh sống và làm việc trong phạm vi khoảng cách đi bộ và đi xe đạp.
• David Engwwicht6: Đô thị sinh thái là nơi con người có thể di chuyển bằng cách đi bộ, đi xe đạp và sử dụng giao thông công cộng, nơi tối đa hóa trao đổi và giảm thiểu việc đi lại. [8]
• GS.TS Đỗ Hậu7: Đô thị sinh thái là đô thị đảm bảo sự phát triển cân bằng với thiên nhiên, bền vững với môi trường, bền vững về kinh tế, xã hội, cơ bản lưu giữ được các giá trị cốt lõi về văn hóa, lịch sử của khu vực.
Tóm lại có thể hiểu đô thị sinh thái đề cập đến vấn đề chất lượng môi trường của đô thị với các tiêu chí rất cụ thể nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho các cư dân đô thị nhằm hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời để xây dựng, phát triển một đô thị sinh thái không chỉ đơn giản là tạo ra một khuôn mẫu, một mô hình mà nó phải là kết quả của một quá trình xã hội có sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó yếu tố cộng đồng cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng. Ngày nay, mở rộng khái niệm đô thị sinh thái, khái niệm đô thị sinh thái thông minh (Eco smart city), đô thị xanh (Green city), đô thị tăng trưởng xanh (Urban green growth), đô thị phát triển bền vững (Sustainable city), Eco2 city cũng đã được đề xuất, nhưng tựu chung lại vẫn là làm thế nào để giải quyết các vấn đề của đô thị, cung cấp cho cộng đồng chất lượng sống tốt hơn…
Quy hoạch đô thị sinh thái với mục đích giúp xây dựng một cuộc sống đô thị lành mạnh, trong đó nguyên tắc cơ bản là làm cho môi trường sống của đô thị hài hòa với thiên nhiên với việc định hướng phát triển đô thị theo hướng giảm thiểu sử dụng đất, năng lượng. Điều kiện hình thành các đô thị sinh thái cũng như cách tiếp cận đều phải được xây dựng và phát triển phù hợp với từng quốc gia, khu vực. Tuy nhiên vẫn cần tuân thủ những nguyên tắc [8]:
• Điều chỉnh lại các ưu tiên sử dụng đất để tạo ra các cộng đồng hỗn hợp nhỏ gọn, đa dạng, xanh, an toàn, dễ chịu, gần các nút giao thông và phương tiện vận tải khác;
• Điều chỉnh lại giao thông để ưu tiên cho đi bộ, xe đạp, xe điện, phương tiện công cộng, và nhấn mạnh “tiếp cận gần”;
• Khôi phục lại môi trường đô thị bị xâm hại, đặc biệt là lạch, đường bờ biển, vùng giáp ranh và vùng đất ngập nước;
• Tạo nhà ở khang trang, giá cả phải chăng, an toàn, thuận tiện, kinh tế và cho mọi thành phần xã hội;
• Bảo đảm công bằng xã hội và tạo ra cơ hội cho phụ nữ và người tàn tật;
• Hỗ trợ nông nghiệp địa phương, các dự án phủ xanh đô thị và làm vườn cộng đồng;
• Thúc đẩy tái chế, sáng tạo công nghệ phù hợp và bảo tồn tài nguyên trong khi giảm thiểu ô nhiễm và chất thải nguy hại;
• Làm việc với các doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động kinh tế sinh thái trong khi ngăn chặn ô nhiễm, chất thải, và việc sử dụng và sản xuất vật liệu nguy hại;
• Thúc đẩy lối sống đơn giản tự nguyện và không khuyến khích tiêu thụ quá mức của cải vật chất;
• Nâng cao nhận thức về môi trường địa phương và vùng sinh thái thông qua các nhà hoạt động và các dự án giáo dục qua đó nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề sinh thái bền vững.
• Hoặc theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nguyên tắc quy hoạch đô thị sinh thái cần đảm bảo:
• Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên;
• Đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người;
• Trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng. Nghiên cứu, xác định cho đô thị các khu vực sinh học (bioregion) hơn là lấn chiếm các vùng ven đô để mở rộng đô thị;
• Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu.
• Bên cạnh những nguyên tắc, để xây dựng một đô thị sinh thái cần phải đáp ứng các tiêu chí như:
• Cơ cấu đô thị (sử dụng đất hiệu quả, bảo vệ môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học…);
• Giao thông đô thị (ưu tiên đi bộ, xe đạp, phương tiện công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân), năng lượng (sử dụng năng lượng tái tạo, bảo tồn năng lượng…);
• Kinh tế, xã hội (đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về kiến trúc và thiết kế chỗ ở và sinh hoạt cho người dân, đảm bảo về giáo dục và việc làm...).
Trên thế giới rất nhiều nước đã xây dựng thành công đô thị sinh thái như Canada, Đan Mạch, Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thụy Điển, Nam Phi… Theo nghiên cứu thống kê toàn cầu của đại học Westminster, có 174 dự án đô thị sinh thái trên thế giới đang được thực thi. Trong đó, có các đô thị sinh thái được phát triển mới, đô thị sinh thái được hình thành do mở rộng đô thị; đô thị sinh thái do phát triển cải tạo. (bảng 2)
Tại Việt Nam, vấn đề mà các đô thị đang gặp phải đó là mật độ xây dựng cao, tỷ lệ bê tông hóa lớn, không gian công cộng bị lấn chiếm, không gian cây xanh mặt nước đang dần bị thu hẹp. Khái niệm đô thị sinh thái đã được bàn luận khá nhiều, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức độ lý thuyết, cũng như các khu đô thị sinh thái Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là gắn mác “sinh thái” hay phát triển theo hướng “sinh thái”, cụm từ “sinh thái” chủ yếu được dùng là mục tiêu định hướng trong các đồ án quy hoạch. Cụ thể:
• Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những thị trấn huyện lỵ phía Tây Hà Nội như Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đều được quy hoạch phát triển trở thành thị trấn sinh thái mật độ thấp dựa trên nâng cấp từ các thị trấn hiện hữu. Hầu hết các thị trấn này nằm trong vị trí kết nối với các đô thị vệ tinh của Hà Nội, đồng thời nằm trong ranh giới hành lang xanh giữa sông Đáy và sông Tích, một khu vực kiểm soát phát triển.
• Phát triển đô thị sinh thái tại TP.HCM được các chuyên gia cho rằng rất cần thiết, nhất là trong điều kiện dân số phát triển quá nhanh, mật độ xây dựng cao, chất lượng sống của người dân bị suy giảm. Trong đó, những địa phương có điều kiện phát triển đô thị sinh thái không chỉ huyện Cần Giờ mà các huyện Củ Chi, Hóc Môn.
• Theo điều chỉnh quy hoạch chung của TP Đà Nẵng đến năm 2030, mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái. Trong đó, vùng sinh thái bao gồm 3 khu vực: khu vực rừng, núi và đồi phía Tây, từ dãy núi Bạch Mã - Hải Vân qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên nối liền dãy núi Bà Nà qua các xã Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương; các khu vực này là yếu tố quyết định chính cho ranh giới đô thị hóa của Đà Nẵng và cũng là tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn hệ sinh học đa dạng và thúc đẩy phát triển bền vững, tiến tới một thành phố đáng sống, thành phố sinh thái.
• Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung là: Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng là đô thị cảng biển văn minh, hiện đại, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, thành phố kinh tế, thành phố sinh thái. Trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, TP Hải Phòng đã tiến hành xây dựng các chương trình hành động và tiến hành lập quy hoạch chung phù hợp.
Một số khu đô thị sinh thái như: Khu đô thị sinh thái EcoPark được cho là “khu đô thị sinh thái có quy mô lớn nhất miền Bắc” với diện tích cây xanh hồ nước lên tới 110ha chiếm gần 22%; dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả - xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn tổng vốn dự kiến 2.600 tỷ đồng, với diện tích sử dụng đất 85.22ha, trong đó cây xanh mặt nước chiếm 28.76ha8; dự án khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức - Long An… Còn rất nhiều các dự án mang tên “sinh thái” khác ở Việt Nam thể hiện sự quan tâm không nhỏ của nhà nước về xu hướng phát triển này. Bên cạnh đó, tiềm năng về địa hình khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, cùng với xu hướng kết nối, hội nhập, học tập kinh nghiệm từ nước ngoài cũng là một trong những cơ sở tiền đề cho điều kiện phát triển đô thị sinh thái ở nước ta. Tuy nhiên, việc cần làm đó là cần một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ và thống nhất, liên thông giữa các lĩnh vực nhằm tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp. Bởi đến nay, chúng ta chưa hề có một tiêu chí cụ thể, hay một văn bản chính thống định nghĩa khái niệm “đô thị sinh thái”.
Vì vậy để khắc phục và phát triển các đô thị sinh thái theo hướng bền vững cần có một sự kết hợp chiến lược và hài hòa giữa môi trường, kinh tế chính trị, văn hóa xã hội nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì hệ sinh thái. Trong đó cần quan tâm đến các vấn đề:
(i) Phân bố quỹ đất và sử dụng đất hợp lý đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch
(ii) Quy mô dân số và phát triển kinh tế - xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp với khả năng “chịu tải” của môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
(iii) Thiết kết đô thị đảm bảo tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và tái sử dụng nguyên liệu một cách hiệu quả (thiết kế công trình thân thiện môi trường, hài hòa với môi trường tự nhiên, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng các vật liệu xây dựng sinh học. Sử dụng các nguồn thiên nhiên có thể tái tạo được (mặt trời, gió), giảm tiêu thụ năng lượng…).
(iv) Khuyến khích phương tiện giao thông thân thiện môi trường, tăng cường giao thông công cộng (hiệu quả và chi phí thấp).
(v) Xây dựng “bản đồ sinh thái” xác định những khu vực nhạy cảm với môi trường, cùng hệ thống giám sát, thông tin môi trường thường xuyên để điều chỉnh kịp thời.
(vi) Thay đổi nhận thức và cách sống đô thị (tăng cường nhận thức cộng đồng, giúp mọi người hiểu biết về tự nhiên, trách nhiệm với môi trường từ đó giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, khuyến khích đóng góp của cộng đồng trong việc duy trì chất lượng môi trường đô thị, thay đổi cách sản xuất theo hướng sản xuất xanh để các dòng vật chất, nguyên liệu, năng lượng được diễn ra trong chu trình khép kín).
(vii) Khuyến khích, tăng cường hợp tác quốc tế, giữa các vùng trong quốc gia, giữa các khu vực trong thành phố, giữa các cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm, bài học.
Kết luận
Xây dựng các đô thị sinh thái là nhu cầu tất yếu về việc nâng cao chất lượng không gian ở, môi trường sống theo tiêu chí sống xanh, khỏe mạnh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, một đô thị sinh thái không phải tự nhiên khai sinh mà có, trái lại nó phải chịu rất nhiều ràng buộc nghiêm ngặt trong quá trình vận hành, để duy trì và đạt được mục tiêu sinh thái. Đó là những biện pháp phối hợp liên ngành như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng các vật liệu xây dựng sinh học, sử dụng các nguồn thiên nhiên có thể tái tạo được (mặt trời, gió), giảm tiêu thụ năng lượng, tránh lãng phí và tái sinh phế thải.
Hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa quy định khái niệm về đô thị sinh thái cũng như các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không. Mặc dù thời gian gần đây, đô thị sinh thái đã nhận được không ít sự quan tâm từ Nhà nước, các Ban, Ngành, các nhà chuyên môn và cộng đồng, nhằm xây dựng một chiến lược phát triển đô thị bền vững phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần có sự nỗ lực hơn nữa (bổ sung các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách…) một cách chính thống, để đô thị sinh thái không còn là mô hình lý thuyết.
Tài liệu tham khảo
[1]. S. E. Bibri, "The eco-city and its core environmental dimension of sustainability: green energy technologies and their integration with data-driven smart solutions," in Energy Inform, 2020
[2]. Marcin Leźnicki, Aleksandra Lewandowska, "Implementation of sustainable development on the example ofthe concept of eco-city," Ecological Questions, vol. 19, p. 92, 2014
[3]. Sangeeta Singh, Sudarshan Raj Tiwari, "Eco-city and Other Ecological Approaches in Urban Planning: AReview of the State-of-the-Art," in Proceedings of IOE Graduate Conference,, 2016.
[4]. B. KGDnews, "Patrick Geddes Và Quy Hoạch Vùng".
[5]. L. L. Lawhon, "Neighborhood Unit," in Encyclopedia of Quality of Life and Well-Being Research, A. C.
Michalos, Ed., Springer, Dordrecht, 2014, p. 4335
[6]. I. Douglas, "50 years change in urban land use and ecological planning globally in the era," vol. 5, no. 1, 2019
[7]. "Ecocitybuilders.org," [Online]. Available: https://ecocitybuilders.org/ecocity-world-summit/ [8]. M. Roseland, "Dimensions of the eco-city," Cities, vol. 14, no. 4, p. 197, 1997.
[9]. L. Đ. Hải, "Các tiêu chí đô thị sinh thái trên thế giới và Việt Nam," 2022
[10]. Philine Gaffron, Gé Huismans, Franz Skala,, "Ecocity," in Book I. Abetter place to live, Vienna, Facultas Verlags- und Buchhandels AG, 2005, p. 12
[11]. Hiroaki Suzuki, Arish Dastur, Sebastian Moffatt, Nanae Yabuki, Hinako Maruyama, "Ecological Cities as Economic Cities," in Eco2 Citites, Waahington, DC, The World bank, 2010
[12]. "Urban ecology Australia inc," [Online]. Available: https://www.urbanecology.org.au/eco-cities/what-is-an- ecocity/.
[13].Elizabeth Rapoport, Anne-Lorene Vernay, "Defining the eco-city: A discursive approach," in Management and Innovation for a Sustainable Built Environment MISBE 2011, 2011.
[14].Đ. B. Minh, "Tiếp cận đô thị sinh thái theo quy hoạch tại Hà Nội," Tạp chí Xây dựng& Đô thị, vol. 90, 2023.
[15].S. JOSS, "Eco-Cities: The mainstreaming of urban Sustainbility- Key Characteristics and Driving factors," International Journal of Sustainable Development and Planning, vol. 6, no. 3, p. 17, 2011.
1 Các khu nhà ở cho công nhân thường là các khu ổ chuột, được xây dựng nhanh, nhiều rẻ ngay sát cạnh các khu vực sản xuất dẫn đến điều kiện sống thấp, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả hoành hành vào thời kỳ này.
2 “Finger Plan” của Copenhagen được phát triển vào năm 1947 - là kế hoạch phát triển đô thị tập trung vào các tuyến đường sắt đô thị và không gian xanh ở giữa. Thành phố đã thay đổi mô hình đô thị phù hợp với hình thức giao thông công cộng (chủ yếu là đường sắt) vì nguyên nhân khan hiếm đất đai, bảo tồn các không gian mở bên cạnh việc khuyến khích phát triển đô thị và giao thông bền vững.
3 Người sáng lập Urban Ecology (1975), cựu chủ tịch của Ecocity Builders (1992 - 2014), là một trong những nhà lý thuyết và tác giả của các nghiên cứu về thiết kế và quy hoạch đô thị sinh thái, với một số tác phẩm nổi bật, thành phố sinh thái Berkeley: Xây dựng thành phố cho một tương lai lành mạnh (1987), “Xây dựng thành phố cân bằng với tự nhiên” (2002).
4 Tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1975 ở Berkeley, CA, nhằm mục đích “xây dựng lại các thành phố cân bằng với tự nhiên”.
5 Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Đô thị sinh thái được tổ chức 2 năm một lần trên 5 Châu lục khác nhau; Adelaide, Úc (1992); Yoff, Sénégal (1996); Curitiba, Braxin (2000); Thâm Quyến, Trung Quốc (2002); Bangalore, Ấn Độ (2006); San Francisco, Hoa Kỳ (2008); Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (2009); Montréal, Canada (2011); Nantes, Pháp (2013); Abu Dhabi, UAE (2015), Melbourne, Úc (2017); Vancouver, Canada (2019); và Rotterdam, Hà Lan (2021), London (2023).
6 Một nhà hoạt động cộng đồng người Úc- người đã xuất bản cuốn “Hướng tới một thành phố sinh thái” năm 1992.
7 Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
8https://www.hoabinh.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/chap-thuan-thuc-hien-du-an-khu-o-thi-sinh-thai-nghi-duong-khoang-nong- cao-cap-ho-kha-tai-xa-quy-hoa-huyen-lac-son-43564-1636.html