Tham dự đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng. Về phía tỉnh Hà Nam, có Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy.
Trên cơ sở thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bảo vệ môi trường và phát triển được khẳng định tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050;
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng với vai trò dẫn dắt thị trường đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc gắn liền hoạt động sản xuất kinh doanh xi măng với công tác bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sản xuất xanh và bền vững. VICEM đã quyết liệt chỉ đạo, định hướng công tác nghiên cứu, thử nghiệm chương trình đồng xử lý chất thải tại một số dây chuyền sản xuất xi măng của các đơn vị thành viên.
VICEM Bút Sơn là đơn vị đầu tiên của Tổng Công ty triển khai thực hiện đề tài đồng xử lý rác thải, bùn thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.
Trong năm 2020, VICEM Bút Sơn đã đạt tỷ lệ sử dụng rác làm nguyên, nhiên liệu thay thế than cám 8 - 10 %, khối lượng xử lý bình quân 110 - 130 tấn rác/ngày, tổng khối lượng rác đã sử dụng là 40.300 tấn/năm.
Năm 2021, Công ty đã tối ưu hóa hệ thống nâng tỷ lệ đốt rác lên 21 - 22%, khối lượng xử lý bình quân gần 300 tấn/ngày, từng khối lượng rác thải đã xử lý trong năm là 92.500 tấn rác công nghiệp các loại.
Đầu năm 2022, sau khi được sự chấp thuận của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Nam, VICEM Bút Sơn tiếp tục thử nghiệm vận hành đồng xử lý chất thải nguy hại, khối lượng xử lý tăng thêm đến nay là khoảng 1.400 tấn chất thải nguy hại/tháng.
Hiệu quả từ chương trình sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo đang khẳng định hướng đi phù hợp của mô hình kinh tế tuần hoàn trong dây chuyền sản xuất xi măng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả của Tổng công ty VICEM nói chung, Công ty Xi măng Vicem Bút Sơn nói riêng đã đạt được trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trong thời gian tới, Công ty Xi măng Bút Sơn cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn; đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình này, qua đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể để Bộ Xây dựng có cơ sở báo cáo Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện công nghệ, tiến tới tự động hóa trong xử lý chất thải; bổ sung thiết bị; đa dạng hóa nguồn chất thải cần xử lý; nâng cao tỷ lệ thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng; rà soát công nghệ sản xuất clinker, sản xuất xi măng theo hướng thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; tận dụng triệt để nguồn nhiệt từ xử lý chất thải để phục vụ sản xuất.