Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 vẫn còn lớn; trong đó, nhiều doanh nghiệp cần thanh toán hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư.
Theo dữ liệu mới nhất do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày công bố thông tin 23/2 vừa qua, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong phần còn lại của năm là 258.239 tỷ đồng; trong đó có 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 99.234 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.496 tỷ đồng, chiếm 21%.
Theo dữ liệu được công bố trên HNX, năm 2024 sẽ có hàng loạt lô trái phiếu nghìn tỷ đồng đáo hạn; trong đó có rất nhiều lô trái phiếu giá trị lớn được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết hoặc mới thành lập.
Có thể kể đến lô trái phiếu mã SDICB2124001 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) với tổng mệnh giá 6.574 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 15/12 năm nay. Đây cũng là lô trái phiếu có giá trị đáo hạn lớn nhất năm nay.
Lô trái phiếu mã GHICB2124001, trị giá phát hành 5.760 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill đáo hạn vào ngày 15/4/2024. Lô trái phiếu mã NAN12301 với giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An đáo hạn vào tháng Chín năm nay.
Công ty Cổ phần Đại Phú Hòa cũng có một lô trái phiếu trị giá 3.560 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12 năm nay.
Hai lô trái phiếu mã HYD22301 và HYD22302 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên với giá trị phát hành lần lượt là 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3 năm nay.
Công ty Cổ phần Đại Phú Hòa cũng có một lô trái phiếu trị giá 3.560 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12 năm nay.
Theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay vẫn còn lớn với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo khoảng 207.000 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023; trong đó, 59,3% là của các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.
Trong tháng Hai này có khoảng 1.826 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn. Tháng Hai này cũng là một trong những tháng có giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn thấp nhất trong năm nay, tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ gia tăng trở lại từ tháng Ba tới.
Về hoạt động phát hành, các chuyên gia từ VNDIRECT nhìn nhận Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường Quốc tế (Nghị định 08) hết hiệu lực và việc thi hành quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành riêng lẻ sụt giảm mạnh.
Theo VBMA, lũy kế từ đầu năm đến hết 23/02 vừa qua, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 5.350 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng giá trị phát hành và 4 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 2.700 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng số giá trị phát hành.
Về hoạt động mua lại, theo VBMA, các doanh nghiệp đã mua lại 1.595 tỷ đồng trái phiếu trong tháng Hai này. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 9.130 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 59% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 4.473 tỷ đồng).
Nguồn: vietnamplus.vn