
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên mức 2.204,06 đồng/kWh từ ngày 10/5 vừa qua, tương đương với mức tăng thêm 4,8% so với lần tăng giá điện gần nhất vào 11/10/2024.
Nếu như trước đây khoảng 2 năm, tăng giá điện một lần với mức tăng khoảng 6%-8% thì những năm gần đây tần suất tăng giá điện trở nên nhanh hơn do chi phí sản xuất điện tăng nhanh. Giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ. Mặc dù giá dầu, khí, than trong xu hướng giảm nhưng tỷ giá tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá lần này, và một phần để bù đắp khó khăn tài chính của Tập đoàn EVN những năm gần đây.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có 4 lần tăng giá điện, với mức tăng lần lượt là 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8%.
Khi giá điện liên tục tăng, khiến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện bị ảnh hưởng như: xi măng, thép, hóa chất, giấy... Bởi chi phí điện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp này nên việc tăng giá điện có thể làm tăng giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, với ngành thép, điện được xem là một trong những chỉ tiêu tiêu hao năng lượng chính trong quá trình sản xuất, nhất là ở công đoạn luyện thép bằng lò điện (chi phí điện chiếm 7 - 8% trong sản xuất thép). Vì vậy, mỗi khi giá điện tăng, các doanh nghiệp trong ngành đều phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi giá điện tăng thường kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng theo, điều này sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xi măng cũng là một trong những ngành chịu nhiều áp lực khi giá điện và các chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Do đó, kể từ năm 2022 đến nay, giá xi măng luôn neo ở mức cao. Trong tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp xi măng lớn như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Xuân Thành và Vĩnh Sơn đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn đối với cả xi măng bao và xi măng rời.
Trước đó, vào thời điểm tháng 1/2025, nhiều nhà sản xuất (Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Tân Thắng)... cũng tăng giá bán xi măng thêm 50.000 đồng/tấn. Tiếp đó, trong tháng 3/2025, các thương hiệu xi măng tại khu vực phía Nam như: Vicem Hà Tiên, Long Sơn, Xi măng INSEE... cũng đồng loạt thông báo tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn do áp lực chi phí sản xuất tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD lo ngại, việc điều chỉnh giá điện tăng buộc nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, việc tăng giá này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tiêu thụ. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm và tối ưu hóa sản xuất nhưng vẫn không thể bù đắp được mức tăng giá của nguyên nhiên liệu. Việc tăng giá điện lần này sẽ lại tiếp tục gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD.