Doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt xu hướng sản xuất thông minh

21:37 23/12/2021
Việc tích hợp sản xuất thông minh vào doanh nghiệp sẽ góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định quản trị kịp thời để có thể nhanh chóng nắm bắt mọi cơ hội của thị trường trong nước và quốc tế.

Việc tích hợp sản xuất thông minh vào doanh nghiệp sẽ góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định quản trị kịp thời để có thể nhanh chóng nắm bắt mọi cơ hội của thị trường trong nước và quốc tế.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam nâng cao năng suất và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn thành nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Liên minh kinh tế Á - Âu..., tiếp cận với các thành tựu cách mạng sản xuất mới để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết.

Sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa. 

Giới chuyên gia đánh giá, với nhận thức cao về ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin và mức độ hội nhập quốc tế cao về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại đầu tư... Việt Nam có đầy đủ cơ hội tiếp cận sản xuất thông minh. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và thực hiện vững chắc các chính sách, giải pháp đột phá để sớm hình thành các mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp, từng bước thực hiện chuyển đổi nền kinh tế số.

Song song với cơ hội luôn là thách thức, bởi một nước đang phát triển như Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nền sản xuất hiện đại và quy mô lớn, kỹ năng làm việc yếu kém, số lượng đơn vị sản xuất còn thấp so với các nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, kết cấu hạ tầng nhà xưởng còn thiếu, trình độ ứng dụng công nghệ vào phát triển ngành còn thấp, lực lượng lao động Việt Nam chủ yếu vẫn là lao động trình độ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường cả về chuyên môn, ngoại ngữ và năng suất lao động thấp.

Các chuyên gia dự đoán rằng, doanh nghiệp có thể tăng năng suất khoảng 30% khi được sử dụng để tham gia vào “cuộc chơi” của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sản xuất thông minh. Việc tích hợp sản xuất thông minh vào doanh nghiệp sẽ góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định quản trị kịp thời để có thể nhanh chóng nắm bắt mọi cơ hội của thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện nay có khoảng 61% doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chỉ 21% doanh nghiệp mới bắt đầu các hoạt động chuẩn bị.

TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, phát triển doanh nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số và sản xuất thông minh sẽ là giải pháp hữu hiệu, tuy nhiên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự thực hiện của các bộ ngành và quyết tâm cải tiến của chính doanh nghiệp.

Việt Nam cũng cần đánh giá tiềm năng, lợi thế của nền công nghiệp 4.0 và các xu hướng công nghệ mới. Phân tích, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong việc triển khai công nghiệp 4.0 để vận hành nhà máy thông minh, nhà máy số, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất kinh doanh; trao đổi về vấn đề quản lý rủi ro khi hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất đều được tự động hóa, việc tiếp cận công nghiệp 4.0 ở nước ta chưa bắt kịp xu thế và bản chất của ngành công nghiệp mới này. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp tổ chức nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Nguồn: VietQ.vn

Bình luận