Thực hiện nghiêm Phụ lục VI Công ước Marpol
Việt Nam đã triển khai đầy đủ các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về kiểm soát khí thải cho đội tàu biển của Việt Nam hoạt động quốc tế.
Hiện nay, hầu hết các đội tàu biển của Việt Nam hoạt động quốc tế đều đang tuân thủ theo quy định của Công ước về Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Công ước MARPOL 73/78, sử dụng nhiên liệu low sulphur không vượt quá 0,5% hoặc sử dụng giải pháp lắp đặt hệ thống lọc khí thải trên tàu, quy định mới về Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có (EEXI) và giảm Chỉ thị cường độ các-bon hoạt động của tàu (CII). Tính từ ngày 01/01 - 30/9/2024, không có tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế bị lưu giữ do lỗi thực hiện các quy định của Phụ lục VI Công ước Marpol.
Qua công tác điều tra, thu thập thông tin, số liệu xếp hạng cường độ các-bon khai thác của 213/519 tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế tính đến tháng 11/2024 thì 13 tàu đạt hạng A, 8 tàu đạt hạng B, 71 tàu đạt hạng C, 54 tàu đạt hạng D và 45 tàu đạt hạng E.

Thiếu hạ tầng, nguồn lực trong chuyển đổi xanh
Về hiện trạng áp dụng các công nghệ chủ yếu trong trong ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, hiện nay các sản phẩm thiết kế vẫn chỉ loay hoay với đội tàu ven biển, các tàu nội địa cỡ vừa và nhỏ, tàu phục vụ nghề cá… chứ chưa có đơn vị nào thật sự làm chủ hoàn toàn trong lĩnh vực và sản phẩm mà đơn vị đã từng thực hiện.
Ở mảng đóng tàu xuất khẩu và tàu trọng tải lớn đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng thì hầu như sự đóng góp của lực lượng thiết kế trong nước là không đáng kể. Ngoài ra, nguồn nhân lực thiết kế tàu thủy chất lượng cao còn thiếu, lại không có kế hoạch đào tạo bài bản khiến lực lượng thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ tàu cũng như chưa hỗ trợ tốt cho quá trình chào hàng, thi công sản phẩm.
Đối với việc ứng dụng các phần mềm phục vụ đóng mới và sửa chữa tàu, hiện nay một số phần mềm như NAPA, NUPAS-CADMATIC… vẫn đang được các đơn vị sử dụng, tuy nhiên đây chủ yếu là các phần mềm tính toán thiết kế tính năng và thiết kế công nghệ. Các phần mềm quản lý đóng tàu chưa thật sự được ứng dụng một cách đồng bộ trong các nhà máy của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Do đó, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa thiết kế chưa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Về công tác nghiên cứu thiết kế đã thiết kế được công nghệ, bước đầu thực hiện được một phần thiết kế kỹ thuật. Tuy vậy, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu các phần mềm thiết kế chuyên dụng, chất lượng thiết kế còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thế giới.

Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo vệ môi trường, hiện nay các cơ sở đóng tàu chưa đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải cũng như không có trang thiết bị và nhân lực để ứng cứu các sự cố môi trường xảy ra trong quá trình hoạt động.
Để kiểm soát các nguồn phát sinh chất thải trong quá trình hoạt động, nhiều đơn vị đã có các chương trình và giải pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, tận dụng và tái chế các vật liệu thừa trong quá trình hoạt động; tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tiến hành ký kết hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động với các đơn vị có chức năng được Bộ TN&MT (nay là Bộ NN&MT) và Sở TN&MT (nay là Sở NN&MT) cấp phép.
Các cơ sở cũng lập kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu, phương án phòng chống cháy nổ, được cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy xác nhận… Tuy nhiên, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động đóng tàu là rất lớn nếu các cơ sở không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và không có các biện pháp bảo vệ môi trường một cách nghiêm ngặt.

Ngoài ra, hiện nay ngành Hàng hải thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển xanh, tuy nhiên qua khảo sát, đánh giá năng lực hiện tại của một số cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển trong nước cho thấy hiện các cơ sở chưa quan tâm và cũng chưa có định hướng cũng như đặt mục tiêu phát triển và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn lực để thực hiện các dự án tàu xanh chạy bằng điện, methanol, amoniac và hydrogen theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của lĩnh vực GTVT đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg mà vẫn đang phát triển theo hướng đóng mới và sửa chữa các tàu truyền thống.
Thực tế, phần lớn cơ sở hạ tầng và công nghệ của các nhà máy đóng tàu của Việt Nam đầu tư với thời gian đã lâu và không đồng bộ về công suất cũng như công nghệ. Hầu hết các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển trong nước cũng chưa có đủ cơ sở hạ tầng, nguồn lực để có thể thực hiện các dự án tàu xanh, sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), điện, e-methanol, amoniac và hydro, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sự thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ, chưa có định hướng tập trung vào đóng các tàu chạy bằng nhiên liệu sạch cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, hoạt động kém ổn định và chất lượng sản phẩm không cao dẫn đến không đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp cần làm gì?
Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển cảng xanh trong quá trình phát triển đất nước; nâng cao tính tự chủ, tham gia đề xuất, đóng góp xây dựng thể chế; chú trọng xây dựng hạ tầng cảng biển thông suốt để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.

Các đơn vị cần xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp thông minh, trong đó tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với sự phát triển mới; kết nối chặt chẽ giữa các phương thức vận tải hàng hải với đường thủy, đường sắt, hàng không; nghiên cứu thực hiện, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng lộ trình, phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh phù hợp với các quan điểm, mục tiêu và lộ trình chuyển đổi xanh và phát triển cảng xanh đã được Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) và Chính phủ phê duyệt; tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, điều ước quốc tế và tự nguyện triển khai áp dụng tiêu chí cảng xanh.
Các doanh nghiệp khẩn trương tiến hành kiểm kê phát thải, đánh giá, phân tích việc chuyển đổi xanh tác động như thế nào đến tài sản, thị phần, chi phí hoạt động, doanh thu; xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, chiến lược sản xuất kinh doanh gắn với phát triển xanh, nguồn lực cho chuyển đổi; thúc đẩy các chiến dịch xúc tiến, quảng bá cảng xanh; tăng cường hợp tác với các đối tác tham gia vào chuỗi logistics xanh; thực hiện đầu tư công nghệ, mua sắm xanh, thực hiện các dự án chuyển đổi xanh; rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các tiêu chuẩn quy định, quy trình vận hành khai thác nội bộ của cảng; cắt giảm các hạng mục, các khâu không cần thiết; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại cảng.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất đang nhận được đơn đặt hàng đóng 4 tàu container có trọng tải 5.000 DWT chạy bằng năng lượng sạch (Hydrogen) cho chủ tàu Handelskade Hà Lan. Các tàu sẽ có chiều dài toàn bộ 99,96 m; rộng 13,6 m; chiều cao mạn 6,80 m; mớn nước theo thiết kế 5,20 m. Tàu được thiết kế bởi nhà thiết kế CMT ENGINEERING (Romania) và phân cấp đăng kiểm RINA (Italia).
Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm đã đặt ky đóng mới tàu dịch vụ năng lượng ngoài khơi ST245 ESCV HULL số 82 cho chủ tàu Na Uy (Công ty Myklebust). Tàu có hệ thống động lực chạy bằng methanol kết hợp với pin điện, đạt tiêu chuẩn phát thải ròng bằng “0”. Đây là dòng tàu được đóng theo xu hướng phát triển năng lượng xanh và phát triển bền vững. Tàu được đóng mới với sự giám sát của đăng kiểm quốc tế DNV. Các thông số kỹ thuật chính của tàu: Dài 116,5 m; rộng: 23,0 m; cao mạn 9,5 m và khoảng sườn 0,7 m.