Nhiều lợi ích
Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh (Fico - YTL) Nguyễn Công Bảo cho biết, DN đã triển khai hàng loạt dự án cải tiến hoạt động nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng tỷ lệ sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế CO2. Đồng thời, đầu tư vào các sáng kiến tháo gỡ nút thắt, nâng cấp thiết bị và cải tiến quy trình nhằm giảm mức tiêu thụ nhiệt trong sản xuất clinker.
Nhờ đó, tỷ lệ clinker trong xi măng DN này sản xuất trong năm tài chính 2023 là 55,6%, thấp hơn so với mục tiêu 65% trong Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Đáng chú ý, cũng trong năm nay, có 246.000 tấn chất thải công nghiệp (tro bay và xỉ) đã được sử dụng như nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Mức phát thải CO2 trung bình trên tấn sản phẩm xi măng cũng giảm còn 490kg CO2/tấn vật liệu xi măng.
Cốt lõi của sự hiệu quả rõ rệt này được ông Nguyễn Công Bảo lý giải là do DN đã áp dụng thực hành bộ tiêu chuẩn ESG để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng. "Việc thực thi bộ tiêu chuẩn ESG giúp DN phát triển vững vàng. Khi thực thi tốt ESG sẽ giữ chân và thu hút được nhân tài, ngoài ra còn được chính quyền đánh giá cao khi có chiến lược phát triển bền vững" - ông Nguyễn Công Bảo chia sẻ.
Với ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát được đánh giá có hệ thống chính sách ESG vững chắc, đối với môi trường trong sản xuất thép, các khu liên hợp sản xuất Gang thép của Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất đều sử dụng công nghệ lò cao tuần khép kín.
Toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý đáp ứng các quy chuẩn hiện hành trong sản xuất công nghiệp nặng. Chất thải rắn trong sản xuất thép như xỉ lò cao, xỉ luyện thép đều được tái sử dụng hoặc chế biến làm sản phẩm vật liệu xây dựng. Cơ chế tuần hoàn sử dụng nguồn nước, không xả nước sản xuất ra môi trường không những bảo vệ môi trường tốt hơn mà còn tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho Tập đoàn mỗi năm.
Đại diện Tập đoàn chia sẻ, Hòa Phát sử dụng giải pháp thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng tại nhà máy ở Hải Dương và Dung Quất. Theo đó, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện chiếm khoảng 75 - 80%, chỉ lấy khoảng 20 - 25% điện lưới cho sản xuất. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương.
Lợi thế để thu hút đầu tư
Qua tìm hiểu cho thấy, đa số DN Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu trên hành trình ESG. Vì vậy, để DN có hướng đi đúng theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết, trước mắt các cơ quan quản lý cần đưa ra các quy định rõ ràng trong việc khai báo lượng phát thải khí nhà kính, triển khai báo cáo ESG và tạo điều kiện đào tạo tập huấn cho DN cùng tham gia.
Mặt khác, nhằm kéo giảm khoảng cách giữa cam kết và thực hành, DN cần cơ cấu quản trị ESG mạnh mẽ, chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu báo cáo. Về lâu dài, DN cần sự đồng thuận về tư duy phát triển bền vững của các nhân viên công ty để chung tay chuyển đổi sang thực hành ESG từ chính trong DN.
Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Đinh Hồng Kỳ chia sẻ, mỗi năm, ngành vật liệu xây dựng phát thải khoảng 40% lượng CO2 ra môi trường. Thực trạng này cho thấy ngành cần nhanh chóng thực hành ESG để tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG có vai trò quan trọng khi đo lường các yếu tố phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng. Qua việc thực hành ESG, DN còn có nhiều lợi thế hơn để thu hút nhà đầu tư, người cho vay và khách hàng đồng thời cải thiện hiệu suất tài chính, tạo sự phát triển bền vững.
Các tiêu chí ESG như là một phương pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như thuyết phục người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ.
Theo chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung, trước sức ép sụt giảm nguồn thu và chưa thể cải thiện lợi nhuận trong ngành vật liệu xây dựng, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách nhằm giảm chi phí như hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng nhu cầu tiêu thụ, tăng tốc độ giải ngân đầu tư công và tháo gỡ thị trường bất động sản.
Trong dài hạn, các DN cần đầu tư sản xuất, kinh doanh nghiêm túc, bài bản, tuân thủ đúng quy định của pháp luật liên quan. Những khoản đầu tư tương lai, hướng đến phát triển bền vững đang được xem là xu thế tất yếu khi cả thế giới cũng như Việt Nam đang trong xu thế xanh hóa sản xuất.
Các chuyên gia nhìn nhận, việc triển khai công nghệ, sản xuất, kiểm soát phát thải vẫn nằm trong trách nhiệm của DN. Với thực tế để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 phải đầu tư vô cùng tốn kém, thì việc tính toán, tối ưu hóa những mục tiêu ngắn hạn trong tầm nhìn dài hạn là cần thiết. Những DN thành công chuyển đổi sẽ mang lại đột phá trong phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2015 ngành vật liệu xây dựng phát thải 63 triệu tấn CO2 ra môi trường, đến năm 2020 tăng lên đến 87 triệu tấn. Dự báo con số này có thể tăng tiếp tục vào năm 2030 với lượng phát thải 125 triệu tấn và 2050 có thể lên đến 148 triệu tấn CO2.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị