Khó khăn trong mùa cao điểm
Mùa cao điểm xây dựng diễn ra từ tháng 9 - 12 hằng năm. Đây luôn là thời điểm sôi động của thị trường vật liệu xây dựng khi nhu cầu xây dựng tăng cao, các công trình dân dụng đi vào quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng như sắt, thép, gạch… và xi măng đang ở mức thấp.
Những ngày này, tại nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở Hà Nội như Minh Khai, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Đê La Thành… không khí mua bán rất ảm đạm. Nhiều chủ cửa hàng thông tin, sức mua các mặt hàng trên rất chậm, nguyên nhân do nhu cầu xây dựng giảm. Anh Nguyễn Mạnh Toàn - chủ đại lý bán vật liệu xây dựng trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) cho biết, tình hình kinh doanh rất chậm, chưa có đơn hàng mới trong nhiều tuần trở lại đây.
Lượng tiêu thụ mặt hàng xi măng, gạch giảm mạnh, tồn kho lớn nên đại lý chưa có ý định gọi nhập thêm hàng. “Đa phần khách mua xi măng, gạch, cát... để phục vụ cho nhu cầu sửa chữa, gia cố nhà ở nên việc kinh doanh của chúng tôi khá khó khăn. Tình hình kinh tế khó khăn, nên nhu cầu xây dựng mới cũng giảm hẳn” - anh Toàn cho hay.
Khá khẩm hơn, anh Hưng - chủ một đại lý chuyên bán xi măng tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, bên cạnh nguồn thu nhỏ lẻ từ khách mua để sửa chữa nhà, thì mới đây anh nhận được 2 đơn đặt hàng xi măng để xây dựng nhà và cửa hàng mới. Tuy nhiên, so với những mùa xây dựng trước đây thì con số quá nhỏ. "Tôi không nghĩ rằng mùa xây dựng năm nay lại ảm đạm thế, bình thường cao điểm những xe chở vật liệu của tôi mỗi ngày đều phải hơn 30 chuyến, nay còn chưa đến được 10 chuyến. Hiện trong kho còn khoảng hơn 4 tấn xi măng các loại mà không biết đến bao giờ mới bán được hết" - anh Hưng than thở.
Theo khảo sát, các loại xi măng vẫn neo giữ mức giá, trong đó xi măng Hoàng Thạch có giá 1.490.000 đồng/tấn; xi măng Bút Sơn 1.450.000 đồng/tấn; xi măng Hoàng Long PCB30 bao có giá 1.010.000/tấn.
Doanh nghiệp tồn kho lớn
Có thể thấy rằng, thị trường xây dựng dân dụng ảnh hưởng từ sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Theo đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), 9 tháng đầu năm, tiêu thụ đạt 65 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 42 triệu tấn, giảm 17%; xuất khẩu khoảng 23 triệu tấn, giảm 2%.
Bán hàng xi măng giảm sút mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao đã khiến DN ngành xi măng thua lỗ, không ít nhà máy phải tạm dừng lò hoặc giảm sản lượng. Điều này khiến DN ngành xi măng tiếp tục rơi vào khó khăn, báo lỗ và tồn kho lớn. Đơn cử, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn tiếp tục báo lỗ gần 56 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 36 tỷ đồng.
Đây là quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Xi măng Bỉm Sơn. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày cuối quý III/2023, giá trị tồn kho của DN này khoảng 428 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối quý II và giảm 29% so với đầu kỳ, trong đó trích lập dự phòng giảm giá khoảng 28,5 tỷ đồng. Số ngày tồn kho/vòng quay khoảng 58 ngày, dài chỉ sau quý IV/2022.
Theo sau là Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn lỗ ròng gần 32 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ nặng nhất tính từ quý I/2014. Lý giải nguyên nhân, đại diện Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn cho biết, do sản lượng tiêu thụ trong quý III giảm gần 95.000 tấn so với cùng kỳ; song song đó, các chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận sụt giảm.
Đây là giai đoạn khó khăn nhất của DN từ trước đến nay khi cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu chính xi măng và clinker ảm đạm, trong khi đó cạnh tranh trong ngành lại ngày càng gay gắt. DN này có giá trị hàng tồn kho tăng liên tục 6 quý liên tiếp, kể từ quý I/2022. Tính đến ngày 30/9, giá trị hàng tồn kho của Công ty Xi măng Bút Sơn khoảng 707 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối quý II và tăng 13% so với đầu kỳ.
Theo Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Xuân Bách, mặc dù Chính phủ vẫn đang quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hay các dự án đầu tư công lớn, kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản ấm lên trong thời gian tới và lúc đó sản lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng mới khá lên. Việc tập trung đẩy mạnh của đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành, trong đó có nhóm ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng.
Tuy nhiên, việc giải ngân và triển khai còn trở ngại do nhiều thủ tục. Không ít dự án từ những năm trước liên tục trong trạng thái bị đình trệ, chưa được giải ngân... Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất xi măng nói riêng và ngành vật liệu xây dựng nói chung, Chính phủ cần có các biện pháp nhằm giải ngân nhanh, cắt giảm thủ tục để DN xi măng sớm hồi phục.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng trong tháng 9/2023 đạt hơn 2,28 triệu tấn với trị giá hơn 93,9 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 19,1% về trị giá so với tháng 8/2023.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị