Doanh thu từ bất động sản chiếm 60% nguồn thu của TP.HCM

09:00 08/10/2024
Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tính chung 9 tháng năm nay, doanh thu trên lĩnh vực bất động sản là 190.150 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu các dịch vụ khác của Thành phố.

Tổng doanh thu của Thành phố đạt mức 330.100 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng lĩnh vực bất động sản (BĐS) dù chiếm đến 60% nhưng cũng chỉ tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số trên cho thấy nguồn thu chủ yếu của TP.HCM vẫn là BĐS. Sở dĩ con số này tăng là do thị trường bắt đầu phục hồi, giao dịch nhà đất tăng ở phân khúc bản lẻ do các dự án mới thường có giá quá cao, khách hàng thay vì chọn mua trả góp tại các dự án thì phương án vay ngân hàng để mua nhà có sẵn an toàn hơn.

Tuy nhiên, việc nhiều hồ sơ đất đai tại TP.HCM tồn đọng từ ngày 01/8 do cơ quan Thuế chờ hướng dẫn của UBND Thành phố, đến ngày 21/9 mới có hướng dẫn khiến nguồn thu từ BĐS không tăng cao như kỳ vọng.

Đến ngày 29/9, Cục Thuế TP.HCM đã giải quyết được 14.300/15.800 hồ sơ đất đai tồn đọng, tương đương 90% hồ sơ tồn đọng được giải quyết. Số hồ sơ được giải quyết này sẽ bổ sung vào nguồn thu trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, trước ngày 10/10 Hội đồng thẩm định Bảng giá đất TP.HCM sẽ tổ chức họp thẩm định. Dự kiến TP.HCM sẽ thực hiện ban hành Quyết định bảng giá đất mới trước ngày 15/10.

Nhiều hồ sơ nhà đất đã được TP.HCM giải quyết kịp thời.

Với việc ban hành Bảng giá đất mới, nhiều dự án tại TP.HCM có cơ sở để tính toán tổng mức đầu tư. Xét trên nhu cầu của thị trường, các dự án mới sẽ có giá cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 9 tháng ước thực hiện hơn 311.300 tỷ đồng, đạt 77% dự toán và tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá góp phần thu nội địa tăng 22%, đặc biệt thu từ xuất nhập khẩu tăng 1,2%.

Mặc dù nguồn thu từ BĐS được thống kê tăng mạnh nhưng các dự án BĐS tại TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, thị trường vẫn trầm lắng với loạt dự án đang chờ chủ trương, quyết định.

Cụ thể: từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 dự án mới được mở bán là Eaton Park (TP Thủ Đức) với khoảng gần 2.000 căn hộ và dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh) với 1.445 căn, còn lại là các dự án cũ, bán các giai đoạn tiếp theo hoặc bán hàng tồn kho. Tính lùi lại thì năm 2023, có 2 dự án mới và năm 2022 có 3 dự án mới. Đến nay, 156 dự án BĐS bị ách tắc được lập danh sách để tháo gỡ trong nhiều năm qua vẫn chưa có dự án nào được xử lý toàn diện.

Khởi công Dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên với 1.445 căn hộ.

Với số dự án mới ít ỏi như vậy, lần đầu tiên Hà Nội đã vượt TP.HCM về tổng số thu ngân sách. Sự chênh lệc thấy rõ từ thu tiền sử dụng đất của Hà Nội trong 9 tháng qua là 33.000 tỷ đồng, còn TP.HCM khoảng 5.900 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 27.000 tỷ đồng.

Tiền thu từ sử dụng đất của TP.HCM đã giảm từ năm 2017 đến nay. Cụ thể: Năm 2017 là 17.905 tỷ đồng, năm 2018 là 13.868 tỷ đồng, năm 2019 là 14.600 tỷ đồng, năm 2020 là 7.634 tỷ đồng, năm 2021 là 7.560 tỷ đồng, năm 2022 là 9.960 tỷ đồng, năm 2023 là 4.640 tỷ đồng.

Như vậy, nguồn thu từ BĐS của TP.HCM không đến chủ yếu từ tiền sử dụng đất mà đến từ các nguồn thuế khác cho lĩnh vực này. Khi các dự án BĐS không được tháo gỡ kịp thời, không chỉ không có nguồn thu từ sử dụng đất mà kéo theo thất thu các khoản thuế từ giao dịch, chuyển nhượng, chuyển quyền, thu nhập và cả thuế VAT cũng bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, chờ đợi quá lâu khiến các doanh nghiệp BĐS dịch chuyển ra các tỉnh lân cận. Còn nguồn vốn FDI lại có xu hướng chảy nhiều vào BĐS công nghiệp, tuy nhiên BĐS công nghiệp lại đang chuyển dịch ra các tỉnh, thành khác như Bình Dương và Long An. Trong bối cảnh đó, TP.HCM sẽ gặp khó từ nguồn thu BĐS.

Bình luận