Đối mặt với nhiều thách thức, doanh nghiệp xi măng cần khai thác triệt để nguồn vốn ưu đãi

07:00 19/11/2024
Ngành xi măng đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong nỗ lực triển khai mục tiêu đạt Net Zero, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần khai thác triệt để nguồn lực tài chính ưu đãi, tận dụng ưu đãi từ chính sách thuế.
Đối mặt với nhiều thách thức, doanh nghiệp xi măng cần khai thác triệt để nguồn vốn ưu đãi
Ảnh minh họa. Nguồn; ITN.

Cơ chế CBAM có đáng lo ngại?

Góp phần đạt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050, ngành xi măng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến chi phí sản xuất như: chi phí đổi mới công nghệ, chi phí kiểm kê khí nhà kính, các chi phí thực hiện MRV…

Ngành xi măng là ngành khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này hiện giờ chưa thu bất kỳ khoản tiền nào, mới chỉ thực hiện báo cáo dấu chân carbon.

Nhưng bắt đầu từ ngày 01/01/2026, theo quy định bắt buộc của CBAM, các DN phải thực hiện tính giá chênh lệch về quyền phát thải carbon trong một đơn vị sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU.

Trước quy định này, không ít ý kiến chuyên gia trong ngành xi măng cho rằng, việc áp dụng cơ chế CBAM đối với xi măng cần được quan tâm nhưng không đáng lo ngại, bởi nhiều năm qua, sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam vào trường EU mới chỉ đạt khoảng 2% tổng lượng xi măng xuất khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại Hội thảo “Hướng đi xanh cho DN xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon” là, ngoài thị trường các nước EU, hiện nay các thị trường như Nhật Bản, Mỹ hay Singapore cũng áp dụng cơ chế tương tự như cơ chế CBAM. Cho nên, xu thế trên thế giới hiện nay là các quốc gia sẽ xây dựng các cơ chế tương tự như cơ chế CBAM và cũng sẽ áp dụng đối với những sản phẩm trong quá trình sản xuất tạo ra nhiều lượng phát thải khí nhà kính (KNK).

Ở trong nước, ngành xi măng cũng là một trong những lĩnh vực phải áp hạn ngạch phát thải KNK. Vì thế, dù có xuất khẩu sản phẩm hay tiêu thụ sản phẩm trong nước thì chi phí sản xuất của với ngành xi măng là vấn đề rất lớn.

TS Tô Nguyễn Cẩm Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính).

Theo TS Tô Nguyễn Cẩm Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), ngành xi măng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, dưới góc nhìn tài chính, đó không chỉ là thách thức liên quan đến chi phí đổi mới công nghệ sản xuất, mà còn bao gồm cả những chi phí liên quan đến tuân thủ như: chi phí kiểm kê KNK theo yêu cầu, các chi phí liên quan đến thực hiện MRV (giám sát/đo đạc, báo cáo và thẩm định những cam kết hay hành động giảm nhẹ thích hợp - PV), những nội dung này có những khó khăn nhất định về kỹ thuật và phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ nhân sự…

Khai thác triệt để nguồn lực tài chính ưu đãi

TS Tô Nguyễn Cẩm Anh khuyến nghị, thứ nhất, trong quá trình xây dựng các chiến lược cũng như các kế hoạch sản xuất kinh doanh, DN xi măng cần gắn kết, tính đến tất cả những xu hướng phát triển trên thế giới như hướng chuyển dịch xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn… để đáp ứng tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu của các nước trên thế giới.

Thứ hai, DN cần cập nhật những quy định của pháp luật, hiểu rõ, hiểu đúng quy định của pháp luật liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của DN; các hướng dẫn liên quan đến hoạt động kỹ thuật phải thực thi như vấn đề về giảm nhẹ phát thải KNK thì nghĩa vụ của DN như thế nào; hiểu đúng quyền lợi của DN như cho phép DN trong giai đoạn đầu tiên, giai đoạn thí điểm có thể bù trừ tín chỉ carbon, vậy những loại tín chỉ carbon nào được bù trừ, tỷ lệ được bù trừ là bao nhiêu, tỷ lệ đó đang dự kiến quy định là 20% là tính trên tổng lượng phát thải hay tính trên tổng lượng hạn ngạch được phân bổ…

Thứ ba, DN phải khai thác triệt để và tận dụng tối đa nguồn lực tài chính có tính ưu đãi. Một số kênh mà DN có thể tận dụng như kênh hỗ tín dụng trợ đầu tư của nhà nước với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng phát triển Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc các quỹ đầu tư phát triển tại địa phương; hay phát hành trái phiếu xanh; hay tận dụng nguồn lực thông qua Cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vừa ký cam kết kết khoản vốn tài trợ lên tới 15 tỷ USD từ các nhà tài trợ nước ngoài hỗ trợ cho các DN Việt Nam trong vấn đề chuyển đổi xanh…

Cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vừa ký cam kết khoản vốn tài trợ 15 tỷ USD hỗ trợ DN Việt Nam chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa.

Tận dụng triệt để ưu đãi từ chính sách thuế

Đáng chú ý, TS Tô Nguyễn Cẩm Anh cho biết, hiện giờ hệ thống chính sách thuế của nhà nước đều có ưu đãi nhất định cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK. Ví dụ, DN có những dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hoặc ứng dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm kể từ khi bắt đầu dự án.

Hay theo quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với khoản thu nhập của DN từ việc bán tín chỉ carbon, đối với các DN tạo ra thị trường carbon, thì không phải tính vào doanh thu tính thuế thu nhập DN.

Hiện giờ, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã trình lên Quốc hội quy định theo hướng mở rộng thêm đối tượng không phải tính vào doanh thu tính thuế thu nhập DN từ việc bán hạn ngạch phát thải KNK. Cho nên, trong trường hợp DN có hạn ngạch phát thải KNK được phân bổ nhưng không sử dụng hết và dư thừa, bán trên thị trường carbon thì khoản thu nhập đó không phải tính vào thu nhập chịu thuế.

DN cũng cần theo sát diễn biến thị trường và nắm vững quy luật phát triển của thị trường. Ví dụ đến cuối mỗi kỳ phải thực hiện cam kết, thông thường giá của tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải KNK sẽ cao. Vì thế, DN phải chủ động theo dõi rất sát diễn biến của thị trường để có quyết định khôn ngoan và thông minh.

Bình luận