Phát triển đô thị bền vững trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là nhu cầu cấp bách hiện nay, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Hệ thống hạ tầng xanh đóng góp phần không nhỏ vào việc phát triển đô thị bền vững nói chung và cho các đô thị của Việt Nam nói riêng.
Tại Việt Nam, thuật ngữ "Xanh" đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước như Nghị quyết số 148/NĐ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NĐ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu phải phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có khái niệm đầy đủ, thống nhất về đô thị xanh và hạ tầng xanh trong đô thị.
Hạ tầng xanh được một số nhà khoa học đề cập đến hồi cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, tuy nhiên, hệ thống lý luận mới ở bước khởi đầu. Các thành phần xanh của hạ tầng xanh thế giới chưa đề cập đến một cách hệ thống.
Các nhà khoa học của Việt Nam thông qua chuỗi toạ đàm đã từng bước hệ thống hoá cơ sở lý luận về Hạ tầng xanh và các thành phần xanh của Hạ tầng xanh một cách toàn diện. Từ đó gợi mở những chủ đề mới cho nghiên cứu khoa học, cho các luận văn, luận án...
Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đã tổ chức chuỗi tọa đàm về hạ tầng xanh và các thành phần của hạ tầng xanh trong đô thị giai đoạn 2023 - 2024.
I. Chuỗi toạ đàm về hạ tầng xanh đoạn 2023 - 2024
Giai đoạn tháng 9/2023 - 9/2024 có 8 toạ đàm về 8 thành phần chính:
Toạ đàm 1: Giao thông xanh (15/9/2023).
Toạ đàm 2: Thoát nước xanh (26/10/2023).
Toạ đàm 3: Công viên xanh (10/11/2023).
Toạ đàm 4: Cấp nước xanh (15/12/2023).
Toạ đàm 5: Chiếu sáng xanh (03/5/2024).
Toạ đàm 6 và 7: Quản lý chất thải rắn xanh và Vệ sinh môi trường xanh (15/8/2024).
Toạ đàm 8: Nghĩa trang và an táng xanh (dự kiến tháng 10/2024).
II. Kết quả và nội dung 6 tọa đàm đã được tổ chức
Từ tháng 9/2023 đến tháng 5/2024 Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đã phối hợp với các đối tác tổ chức được 5 tọa đàm về các thành phần của hạ tầng xanh trong đô thị.
1. Sáng 15/9/2023, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng và phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đồng tổ chức Tọa đàm 1 có tiêu đề “Hạ tầng xanh và Giao thông xanh”. Nội dung chủ yếu của tọa đàm bàn về hạ tầng xanh và giao thông xanh. Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học và đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp… đến dự. Kỷ yếu của tọa đàm bao gồm 17 bài viết của 19 tác giả.
2. Chiều 26/10/2023, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) đồng tổ chức Tọa đàm 2 có tiêu đề: “Hạ tầng xanh và Thoát nước xanh”. Nội dung chủ yếu của tọa đàm bàn về thoát nước xanh. Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học và đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp… đến dự. Kỷ yếu của tọa đàm bao gồm 16 bài viết của 23 tác giả.
3. Sáng 10/11/2023, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam kết hợp với Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức hội thảo hạ tầng xanh và công viên xanh. Nội dung chủ yếu của hội thảo bàn về công viên xanh. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học và đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp… đến dự. Kỷ yếu của hội thảo bao gồm 12 bài viết của 19 tác giả.
4. Sáng 15/12/2023 Viện Nghiên cứu đô thị phát triển hạ tầng và Công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) đồng tổ chức tọa đàm hạ tầng xanh và cấp nước xanh. Nội dung chủ yếu của tọa đàm bàn về cấp nước xanh. Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học và đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp… đến dự. Kỷ yếu của tọa đàm bao gồm 16 bài viết của 24 tác giả.
5. Sáng 03/5/2024, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng phối hợp cùng Hội Chiếu sáng Việt Nam và các đơn vị đồng hành tổ chức buổi tọa đàm hạ tầng xanh và chiếu sáng xanh. Nội dung chủ yếu của tọa đàm bàn về chiếu sáng xanh. Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học và đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp… đến dự. Kỷ yếu của tọa đàm bao gồm 17 bài viết của 18 tác giả.
Trong mỗi tọa đàm có 50 - 60 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, các trường đại học, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các công ty tư vấn, các cơ quan thông tin đại chúng…
III. Kết luận - Kiến nghị
Từ kết quả của các tọa đàm, hội thảo được tổ chức, đã chỉ ra rằng cần đồng bộ hóa các khái niệm “Xanh” trong đô thị.
Trên cơ sở đó các tác giả kiến nghị và đề xuất các khái niệm “Xanh” một cách đồng bộ, cụ thể như sau:
Đô thị xanh: là đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm bảo tồn các chức năng của hệ sinh thái, mang lại lợi ích cho con người, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Hạ tầng xanh: là hệ thống của môi trường nhân tạo có gắn kết với tự nhiên, dựa vào các yếu tố tự nhiên để hình thành thông qua việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, thoát nước mưa, công viên, nghĩa trang và an táng…) nhằm bảo tồn chức năng của hệ sinh thái, mang lại lợi ích cho con người, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Giao thông xanh: là hệ thống giao thông được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại của mọi người, hiệu quả hoạt động giao thông cao với chi phí xã hội thấp, hài hòa với môi trường đô thị, bảo tồn chức năng của hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Thoát nước xanh: là mô hình áp dụng cách tiếp cận các hệ thống sinh thái tự nhiên được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm mang lại lợi ích cho con người, để kiểm soát và làm giảm ngập lụt cục bộ trong hệ thống thoát nước đô thị, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Cấp nước xanh: là hệ thống cấp nước được quy hoạch, đầu tư xây dựng quản lý nguồn nước, nhằm mang lại lợi ích cho người, bảo tồn hệ sinh thái nguồn nước, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Công viên xanh: là một khu vực không gian mở, có diện tích lớn, được quy hoạch, thiết kế và chăm sóc để tạo ra một môi trường xanh, gắn kết với thiên nhiên, mang lại lợi ích cho con người, bảo tồn các chức năng của hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Chiếu sáng xanh: là hệ thống chiếu sáng được quy hoạch, đầu tư sử dụng nguồn sáng chất lượng cao, hiệu suất cao, nhằm góp phần tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích cho con người, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Quản lý chất thải rắn xanh: là quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý rác thải đô thị, được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho con người, lợi ích kinh tế từ rác thải, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Vệ sinh môi trường xanh: là việc thực hiện các quy định về vệ sinh công cộng ở đô thị, nông thôn, các điểm dân cư bao gồm thu gom, vận chuyển và xử lý bùn cặn từ hệ thống thoát nước, bùn thải từ các bể tự hoại, được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhằm mang lại lợi ích cho con người, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Nghĩa trang an táng xanh: là hệ thống nghĩa trang được quy hoạch, đầu tư xây dựng để an táng người chết, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh, mang lại lợi ích cho con người, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (PGS.TS Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2024).
Từ các khái niệm “Xanh” nêu trên, các nhà khoa học, nhà quản lý đô thị cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí của mỗi thành tố “Xanh” trong đô thị.