Thúc đẩy dòng chảy xanh
Mới đây (ngày 12/4), tại kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, lãnh đạo TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành miền Trung đã kiến nghị cần sớm có hướng dẫn cụ thể việc xác định, đánh giá các ngành kinh tế thuần biển, bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo; bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, nhấn mạnh sớm có bộ chỉ số đánh giá thế nào là quốc gia mạnh về biển, bền vững về biển, các ngành kinh tế biển có lợi thế, chuyển biến về nhận thức, chính sách liên quan đầu tư, tài chính, môi trường và huy động nguồn lực tổng hợp.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì, đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để sớm xây dựng các bộ chỉ tiêu chung quốc gia về kinh tế biển; giao nhiệm vụ cho một số bộ, ngành sớm thành lập quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, chính sách ưu đãi về điện gió ngoài khơi, cảng biển, đầu tư.
Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển mới; cần sớm có định mức, tiêu chuẩn, mô hình cho đô thị biển sinh thái hướng đến đô thị thông minh, gắn bảo tồn văn hóa biển. Trong phát triển kinh tế biển giai đoạn mới, cần định hướng phát triển các cảng biển xanh, vận tải biển xanh, logistics xanh, gắn với các khu kinh tế, thương mại tự do…
Nhìn tổng thể, hầu hết bản quy hoạch thời kỳ mới của các tỉnh miền Trung đều nêu rõ quan điểm phát triển thúc đẩy kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và chuyển đổi số.
Bản quy hoạch thời kỳ mới của Bình Định được giới chuyên gia đánh giá có tầm nhìn đột phá là đến năm 2050 phát triển thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đánh giá cao bản quy hoạch Bình Định và gợi ý nên ưu tiên phát huy kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn - kinh tế carbon, kinh tế đồ gỗ, năng lượng tái tạo, công nghiệp kết hợp đô thị xanh - bởi đây là xu thế tất yếu của Việt Nam và cả thế giới.
Giới chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng, Bình Định có tiềm năng rất khác biệt so với cả nước là sở hữu thung lũng khoa học, giáo dục Quy Hòa. Tỉnh nên quan tâm phát huy, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực cho ngành khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip bán dẫn… Mối quan hệ tỉnh với các nước có ngành kinh tế xanh, bền vững đang được củng cố, xây dựng nên tận dụng để tìm kiếm, ký kết với các trung tâm đào tạo nhân lực sản xuất chip lớn trên thế giới để tạo nhân lực cho tỉnh và toàn vùng, hiện thực hóa bản quy hoạch phát triển trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng Việt Nam.
Ông Uông Việt Dũng, người phát ngôn Bộ GTVT, cho biết, tại Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường ven biển sẽ có tổng chiều dài khoảng 3.034km, quy mô tối thiểu đường cấp III, IV. Trong đó, các đoạn đi trùng quốc lộ sẽ được đầu tư theo quy mô quốc lộ; các đoạn còn lại đầu tư theo quy hoạch tỉnh. Hiện các dự án đường ven biển không trùng quốc lộ thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND các tỉnh, thành phố.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, xác định hướng tuyến, phương án nguồn vốn, hình thức đầu tư phù hợp, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án. Trường hợp các dự án gặp khó khăn, các địa phương cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ. Bích Quyên |
Gỡ điểm nghẽn, tăng liên kết
Khi đề cập câu chuyện liên kết, hợp tác phát triển vùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng nhìn nhận, lâu nay các lãnh đạo Trung ương và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, gợi ý các chuỗi liên kết vùng để các tỉnh miền Trung tạo được sức mạnh phát triển chung. Quảng Nam vốn nằm giữa vùng miền Trung, tiềm năng kết nối các trục phát triển rất tốt. Vì vậy, muốn phát triển tốt hơn, đi xa hơn thì các tỉnh cần liên kết, hợp tác vùng. Tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường đầu tư, mở rộng những tuyến đường lớn, mang tính huyết mạch. Trong đó, ưu tiên liên kết vùng theo từng cụm địa phương có tính tương đồng về vị trí địa lý, kinh tế, không bó hẹp trong vùng mà nên mở tầm nhìn ra cả nước, quốc tế.
Trong bản quy hoạch thời kỳ mới của Quảng Nam, tỉnh lựa chọn tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị của khu vực. Trong đó, chú trọng liên kết vùng và liên vùng trong tham gia vào các cụm liên ngành, như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và logistics... Tại sân bay Chu Lai, tỉnh sẽ phát triển 1 trung tâm logistics cấp vùng để tạo được mạng lưới trung chuyển hàng hóa từ các vùng sản xuất, các khu kinh tế, khu công nghiệp địa bàn đến các tỉnh trong vùng duyên hải miền Trung.
Trong giai đoạn tới, Quảng Nam sẽ đầu tư một số dự án kết nối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thúc đẩy nội vùng và liên vùng. Trong đó, tập trung thúc đẩy phát triển kết nối vùng theo 2 cánh: Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; Nam Quảng Nam - Quảng Ngãi - Kon Tum.
Nhìn nhận thực tiễn phát triển của các khu kinh tế ven biển miền Trung đang tồn tại nhiều mâu thuẫn, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, cho rằng, về cơ chế, chính sách thì Trung ương cần phải hoàn thiện theo hướng nâng cấp khuôn khổ pháp luật đối với các khu kinh tế ven biển nói riêng và khu kinh tế nói chung từ nghị định lên thành luật. Đồng thời, cần rà soát để loại bỏ hoặc điều chỉnh lại các văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp chồng chéo, thiếu thống nhất.
Đối với các khu kinh tế ven biển, cần nhìn nhận đúng thực tiễn phát triển và đặc thù để có thể chế, chính sách cho từng khu vực. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, trung tâm khí điện và sản phẩm hóa dầu ở Chu Lai; phát triển công nghiệp khai thác chế biến dầu khí ở Dung Quất - Nghi Sơn; công nghiệp nặng, luyện kim ở Vũng Áng, Dung Quất; phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách ưu đãi đầu tư và quy chế hoạt động của các khu phi thuế quan, dịch vụ logistics để thu hút đầu tư.
Cũng theo PGS.TS Bùi Quang Bình, đối với quy hoạch các khu kinh tế ven biển của Chính phủ, nên định vị, cơ cấu lại và có phân tích đánh giá quá trình phát triển giai đoạn 20 năm để chọn lọc, xác định nên thu gọn hay mở rộng các khu kinh tế biển theo năng lực phát triển. Bên cạnh đó, nhà nước cần đầu tư “vốn mồi” để huy động đầu tư tư nhân vào sự phát triển chung khu kinh tế ven biển. Trước mắt, Nhà nước nên ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ bản, nhất là đường bộ kết nối ven biển…
Giải quyết mâu thuẫn, hệ lụy bất động sản biển
TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng, ven biển miền Trung đang xảy ra mâu thuẫn, hệ lụy lớn trong phát triển bất động sản du lịch. Các địa phương cần kiểm soát tốt khi thu hút dự án bất động sản, cần phải đánh giá thiết thực hiệu quả nó mang lại cho phát triển dân sinh, cho cái chung. Trong đó, dự án cần dành quỹ đất 40% để ưu tiên đầu tư trường học, nhà trẻ, công viên, bệnh viện, khu vui chơi… phục vụ người dân. Cần hạn chế các dự án chỉ lo bao chiếm, chắn biển để xây dựng chung cư bán lấy tiền, chạy theo lợi ích. Ngoài ra, vùng miền Trung có lợi thế nghề cá biển, chúng ta cần thay đổi tư duy, phải hướng đến nghề cá giải trí, du lịch, thể thao như các nước phát triển trên thế giới.
Nguồn: sggp.org.vn