Ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: Tỉnh ủy Đồng Nai đã chốt phương án cho tồn tại đối với công trình “nhà lầu ông Phủ”. Song công trình này sẽ được tồn tại thế nào cần có những đánh giá cụ thể, dựa trên những kết quả kiểm tra, lên phương án bảo tồn…
"Quyết định trên của tỉnh Đồng Nai hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với mong mỏi của người dân Đồng Nai về công trình 100 năm tuổi này", ông Hồ Văn Hà bày tỏ.
Công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” của Đốc phủ Võ Hà Thanh được xây dựng năm 1924 tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngôi biệt thự nằm ven sông Đồng Nai theo kiến trúc kiểu Pháp, được xây dựng trên diện tích đất 150m2 với chiều cao 2 tầng. Ngôi biệt thự này được xây cùng thời với tòa bố Hành chính Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20. Nhưng tòa bố Hành chính Biên Hòa đã được xây mới. Công trình “nhà lầu ông Phủ” được xây dựng ven sông Đồng Nai còn gắn liền với thương cảng cù lao Phố năm xưa nên được xem là nhà cổ duy nhất còn lại của vùng đất này.
Lịch sử vùng đất Biên Hòa được ghi dấu ấn kể từ năm 1698 khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng Trong, lấy đất Đồng Nai lập phủ Gia Định, thành lập dinh Trấn Biên, xác định đơn vị hành chính đầu tiên trên vùng đất Biên Hòa.
Tuyến đường ven sông Đồng Nai dài 5,2 km, đoạn từ cầu Hóa An đến huyện Vĩnh Cửu, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến đường đã được thi công đến sát ngôi biệt thự. Nếu thi công theo quy hoạch, phạm vi tuyến đường sẽ vào một nửa ngôi biệt thự hiện hữu, khi đó sẽ phải tháo dỡ. Do ý nghĩa của biệt thự cổ với vùng đất Biên Hòa nên chính quyền vẫn chăng dây sát ngôi biệt thự và dừng chưa thi công. Ngôi biệt thự cổ vẫn thuộc sở hữu của con cháu Đốc phủ Võ Hà Thanh và người thừa kế có nguyện vọng xin được giữ lại ngôi nhà.
Theo tài liệu còn lưu giữ, ngôi biệt thự cổ này được xây dựng với 100% nguyên liệu được nhập từ Pháp, sau này từng được dùng làm phim trường để quay những bộ phim liên quan đến thời kỳ phong kiến, điển hình như phim Người đẹp Tây Đô. Ngôi biệt thự cổ này được định giá đền bù giải phóng mặt bằng 5,4 tỷ đồng.
Mong muốn giữ lại biệt thự cổ còn là mong muốn của nhân dân TP Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, đó cũng là mong muốn của các kiến trúc sư, các nhà khoa học lịch sử đối với công trình này. Ông Trần Quang Toại - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đồng Nai đánh giá: "Nếu giữ được ngôi biệt thự cổ này, chúng ta sẽ tạo ra được sự kết nối về văn hóa, lịch sử, du lịch sông Đồng Nai với trên bờ và giữa ngôi biệt thự này với các công trình cổ khác một cách bền chặt hơn".
Đồng quan điểm trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, có nhiều cách để giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Chẳng hạn có thể di dời ngôi biệt thự vào bên trong và dành quỹ đất biến thành điểm đến về văn hóa, du lịch; hoặc có thể tính phương án nắn lại tuyến đường lấn ra sông Đồng Nai: “Tôi nghĩ rằng việc bảo tồn di sản này có ý nghĩa rất lớn. Bởi lẽ, với tuyến đường ven sông kết hợp công trình bản sắc lịch sử và những công trình mới, dần dần tạo thành cảnh quan hấp dẫn khách du lịch, mở ra tiềm năng lâu dài cho Biên Hòa phát triển đô thị hướng sông Đồng Nai”.
Tiếp thu và lắng nghe ý kiến, mới đây Sở Xây dựng Đồng Nai đã chủ trì, phối hợp Sở VHTT&DL, các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực tế ngôi biệt thự. Sau khi lấy ý kiến các ngành, Sở Xây dựng tổng hợp trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định. UBND TP Biên Hòa cũng mời các chuyên gia, Sở, ngành liên quan góp ý để tìm phương án tối ưu nhất đối với căn biệt thự 100 tuổi trên.
Kết quả từ sự nỗ lực lớn của các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền, những góp ý, đóng góp của các nhà khoa học, các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử, tỉnh Đồng Nai đã chốt phương án cho tồn tại ngôi biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ”.