Ngày 31/10, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và các địa phương về tình hình thực hiện lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch xây dựng sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Bởi đây là cơ sở để thu hút đầu tư, chính vì vậy, việc lập, trình và phê duyệt các quy hoạch là rất cấp bách.
Về tiến độ, quy hoạch chung các đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom phải được trình Bộ Xây dựng thẩm định trong tháng 12/2024. Riêng quy hoạch chung đô thị Long Thành phải trình thẩm định trong tháng 6/2025.
Quy hoạch phân khu các đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch phải được phê duyệt trước tháng 12/2025; đô thị Long Khánh trước tháng 6/2025 và đô thị Long Thành trước tháng 6/2026.
Sở Xây dựng Đồng Nai hoàn thành công tác tổ chức lập các quy chế quản lý kiến trúc tại các đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh trong quý IV-2025. Sở Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn các địa phương đăng ký vốn đầu tư công để triển khai công tác lập quy hoạch. Sở Tài nguyên và môi trường lập quy hoạch sử dụng đất đồng bộ với quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị của các địa phương.
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, Quy hoạch Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2030, toàn tỉnh có 19 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I; 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III; 7 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V. Đến năm 2045, toàn tỉnh có 26 đô thị, trong đó có 3 đô thị loại I; 1 đô thị loại II; 1 đô thị loại III; 7 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V.
Hiện nay, các quy hoạch của ngành xây dựng đang được lập cho giai đoạn đến năm 2045, nên có thể phân chia 26 đô thị này thành 2 nhóm gồm: nhóm 1 những đô thị phải lập quy hoạch phân khu bao gồm có 6 đô thị và nhóm 2 những đô thị không lập quy hoạch phân khu là các đô thị còn lại.
Như vậy, trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 phải lập quy hoạch chung cho 19 đô thị và 60 quy hoạch phân khu đô thị. Giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2045, tiếp tục lập quy hoạch chung các đô thị còn lại phù hợp chương trình phát triển đô thị, nâng tổng số quy hoạch chung đô thị thành 26 đô thị.
Bên cạnh đó, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị, nông thôn của địa bàn quản lý theo Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng, các nhiệm vụ đột phá, dự án trọng điểm chiến lược được xác định trong quy hoạch tỉnh đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch.
Đặc biệt là phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 làm cơ sở thu hút kêu gọi đầu tư đối với các dự án như: Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai; quy hoạch các khu công nghiệp…
Nguồn: Vneconomy.vn