Đốt rác - vấn nạn gây ô nhiễm môi trường

09:35 25/04/2024
Lâu nay hành vi đốt rác vẫn chỉ được coi là một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của một bộ phận Nhân dân. Tuy nhiên, nghiên cứu của cơ quan chuyên môn thời gian gần đây đã chỉ rõ, đốt rác đang trở thành một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí Thủ đô.

Mối nguy hại từ đốt rác

Cụ thể, theo nghiên cứu, trong các tác nhân gây ô nhiễm không khí Hà Nội, giao thông là nguồn thải đứng đầu với tỷ lệ khoảng từ 58 - 74%. Thứ hai là sản xuất công nghiệp với tỷ lệ 14 - 23%. Còn lại là các nguồn thải khác như sản xuất nông nghiệp (3,4% - 18,9%), dân sinh chiếm 6,2% và đốt rác tự phát chiếm 2,2%.

Nếu nhìn qua con số tỷ lệ 2,2%, nhiều người sẽ cho rằng, “đóng góp” của hành vi đốt rác cho tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội là không đáng kể. Tuy nhiên, mối nguy hại mà đốt rác gây ra không thể đong đếm qua con số tỷ lệ nguồn phát thải mà ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất chính là hành vi đốt rác thường diễn ra tại các khu dân cư đông đúc, nơi không gian kín và khả năng phát tán khói bị hạn chế. Khi đó, nguồn thải từ việc đốt rác sẽ bị lưu cữu trong không khí ở tầm thấp, len lỏi vào các khu dân cư và tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, việc đốt rác tự phát sẽ tạo các chất nguy hại như oxit carbon, hydro carbon, benzen, dioxin… Những chất thải nguy hại này sẽ được xử lý triệt để nếu như rác thải được xử lý trong lò đốt công nghệ hiện đại, được vận hành khoa học, đúng quy trình. Tuy nhiên, khi rác thải được xử lý bằng cách đốt tự phát, việc phát tán những chất thải nguy hại trên ra môi trường sẽ là điều khó tránh.

Chế tài xử lý còn nhẹ

Các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, Hà Nội cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, hướng tới tất cả những nguồn phát thải, trong đó không thể bỏ qua nguồn thải từ đốt rác tự phát. Đã đến lúc, chúng ta phải coi đốt rác tự phát là một vấn nạn thực sự, một trong những “thủ phạm” đang trực tiếp gây ra tình trạng ô nhiễm không khí Thủ đô, chứ không chỉ dừng lại ở một thói quen trong sinh hoạt và sản xuất hàng ngày nữa.

Một nhóm người thản nhiên đốt rác trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Ảnh chụp chiều 23/4/2024) Ảnh: Nguyễn Quý
Một nhóm người thản nhiên đốt rác trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Ảnh chụp chiều 23/4/2024) Ảnh: Nguyễn Quý

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết, trong kiểm kê khí thải, một trong những nguồn phát thải được nhắc đến là đốt phụ phẩm nông nghiệp và đốt rác phân tán (gọi chung là đốt rác tự phát). “Nếu nhiều khu vực cùng đốt thì sẽ ảnh hưởng lớn đến không khí và làm tăng nồng độ một số chất lên rất nhanh” – GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói và cho biết thêm, đây chính là lý do tại một số điểm có đặt trạm quan trắc không khí, nếu xuất hiện tình trạng đốt rác thải tự phát thì chỉ số ô nhiễm không khí sẽ tăng lên rất nhanh.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, muốn giảm tình trạng đốt rác tự phát, vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Bởi mọi loại rác thải đều phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Còn nếu trường hợp nào cố tình không làm theo mà đem đốt tự phát, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương phát hiện được cần phải xử lý nghiêm theo quy định. “Bất cứ cá nhân nào cố tình không tuân thủ các quy định thì phải xử lý thật nghiêm” – GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho hay.

Nhìn nhận vấn đề trên góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, chế tài xử phạt đối với hành vi đốt rác không đúng quy định đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản pháp lý, chế tài xử phạt cũng tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

“Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rất rõ cấm đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật. Còn theo Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi đốt rác, chất thải ở khu vực dân cư, nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng” – luật sư Bùi Đình Ứng dẫn giải và cho rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi đốt rác tự phát hiện nay vẫn còn tương đối nhẹ. Đây là lý do khiến nhiều người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến hành vi đốt rác tự phát vẫn diễn ra là sự giám sát của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa thật sự nghiêm ngặt.

Khi đốt rác sẽ phát sinh cột khói cao, rất dễ để phát hiện ra. Do đó không thể nói chính quyền địa phương không nắm được nơi nào trên địa bàn mình xảy ra tình trạng đốt rác tự phát. Cái chính là họ có đi kiểm tra không và nếu đi kiểm tra, phát hiện thì có kiên quyết xử phạt hay không?

Luật sư Bùi Đình Ứng

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Bình luận