Theo ghi nhận từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất trên toàn cầu là Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Anh, Canada và Nhật Bản, thì tỷ trọng nhập khẩu của EU và Anh từ Việt Nam vẫn ở mức thấp, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường này rất lớn.
Thống kê của Cơ quan thống kê châu Âu cho thấy EU là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất trên toàn cầu.
Trong cơ cấu thị trường cung cấp, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 7 cho EU, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 2,8% trong năm 2022 và chiếm 3,4% trong tháng đầu năm 2023.
Tiếp theo là Hoa Kỳ, thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 thế giới.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ kể từ năm 2019 và đến năm 2022 Việt Nam vẫn tiếp tục vị trí dẫn đầu.
Tỷ trọng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam khá cao, năm 2022 chiếm 36,3% tổng trị giá nhập khẩu và những tháng đầu năm 2023 chiếm 37,1%...
Điều này cho thấy dư địa xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam tới những thị trường nói trên còn rất lớn và rất cần tập trung khai thác.
Báo cáo từ Diễn đàn Công nghiệp Gỗ và Nội thất Việt Nam cho thấy nửa đầu năm 2023, xuất khẩu đồ gỗ nội thất và lâm sản đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dù đã được dự báo từ cuối năm 2022 nhưng việc thiếu đơn hàng khiến các nhà máy phải giảm công suất, giảm lao động, thậm chí là làn sóng trả mặt bằng, nhà xưởng đang lan rộng, nhất là ở địa bàn các tỉnh, khu vực phía Nam.
Quan ngại là vậy, song kết quả khảo sát sơ bộ với các doanh nghiệp thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng tại các doanh nghiệp thành viên HAWA giảm trung bình 30% so với cùng kỳ.
Nhưng đến tháng 7/2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho biết trước những thách thức thời gian qua, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã không hề bị động.
Một mặt, doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.
Trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh.
Cụ thể, các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
Trước tình hình khủng hoảng kinh tế diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ đến toàn ngành xuất khẩu, sẽ đòi hỏi sự chung tay của Nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp để tạo đòn bảy giúp ngành chế biến gỗ và nội thất xuất khẩu cất cánh trở lại đường đua giành vị thế trong top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới.
Chuyên gia Trần Sĩ Chương, Viện trưởng Học viện Hòa Bình, Thành viên Công ty Tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới 3Horizons tại London, Anh Quốc... nhận định những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực.
Thực tế giảm đơn hàng như hiện nay ở ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5-10 năm tới.
Nếu so với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5% thì ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn.
Với cơ hội tăng trưởng như vậy là minh chứng cho việc doanh nghiệp ngành đồ gỗ xuất khẩu cần chủ động nhiều hơn để đi tắt đón đầu.
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường xuất khẩu đồ gỗ phục hồi.
Phản ánh thực tế từ việc khảo sát và tư vấn doanh nghiệp, ông Lê Đức Hiếu, Giám đốc dự án Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Vĩ Đại (Vetta) cho biết đa số các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đã tích lũy và dư khả năng tài chính để đầu tư, mua máy móc hiện đại từ châu Âu cùng phần mềm đi kèm để sản xuất thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của khách hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của hầu hết doanh nghiệp là không đủ nguồn nhân lực có chất lượng để vận hành dây chuyền nhà máy thông minh đó.
Một số doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đã đầu tư thành công các nhà máy thông minh với công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn ngang bằng với thế giới như Công ty CP Gỗ An Cường và ALC Corp - Casta... đã kết nối trực tiếp hoạt động bán hàng vào sản xuất giúp việc đặt hàng của khách hàng tiết giảm được rất nhiều khâu trung gian.
Qua đó, năng suất lao động tăng lên, tiết kiệm thời gian cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vẫn chưa phát huy được hết hiệu suất cần có để đáp ứng nhu cầu về chất lượng, số lượng cùng các tiêu chuẩn khác.
Dù đầu tư các loại máy hiện đại để nâng cao năng suất lao động, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp đồ gỗ gặp phải những hạn chế, vướng mắc do thiếu sự kết nối giữa các máy đơn lẻ để tạo thành một hệ thống sản xuất thông minh, hoàn chỉnh.
Thậm chí, có doanh nghiệp bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư nhưng vận hành không hiệu quả do vấn đề con người. Vì thế để vận hành thành công, điểm mấu chốt là cần phải có nhân sự chất lượng cao.
"Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nhiều hơn để nâng cấp toàn diện, qua đó không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần vào việc thúc đẩy ngành chế biến gỗ và đồ nội thất xuất khẩu, lan tỏa uy tín, sức ảnh hưởng và vị thế là thị trường xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ gỗ và nội thất hàng đầu thế giới," ông Hiếu khuyến nghị.
Nguồn: Vietnam+