Dự kiến năm 2040, TP.HCM nâng 5 huyện ngoại thành lên thành phố

14:33 18/06/2024
TP.HCM dự kiến nâng 5 huyện bao gồm: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ lên thành phố vào năm 2040, chậm hơn 10 năm so với kế hoạch trước đây. TP.HCM xác định đầu tư hạ tầng và tạo nguồn lực trước khi các huyện này trở thành thành phố trực thuộc.

Kế hoạch đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau đó, cả 5 huyện đều mong muốn trở thành thành phố trước năm 2030 do tiêu chí thành quận khó đạt được.

Theo quy định các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời 100% các xã đủ tiêu chí chuyển sang phường. Trong khi đó, các huyện như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn. Do vậy, mô hình thành phố (đô thị loại 3) thuộc TP.HCM sẽ đáp ứng được việc chuyển đơn vị hành chính cấp huyện lên cấp đô thị, không ảnh hưởng đến một số khu vực nông nghiệp ngoại thành.

Lãnh đạo TP.HCM nhận thấy việc chuyển huyện thành thành phố trực thuộc chỉ khiến cho giá đất tăng vọt, dẫn đến khó khăn trong thu hồi đất để phát triển cơ sở hạ tầng sau này.

Thêm vào đó, việc lên thành phố khi hạ tầng chưa đồng bộ sẽ dẫn đến mất kiểm soát trong việc phát huy lợi thế của từng khu vực. Do vậy, từ nay đến năm 2030, các huyện sẽ tập trung xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc tỉnh. Giai đoạn 2030 - 2040 sẽ tổ chức 5 vùng đô thị gồm: đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; thành phố phía Nam (Nhà Bè, Quận 7); thành phố Tây Nam (Bình Chánh); riêng huyện Cần Giờ sẽ tính toán vào thành phố phía Nam hoặc một đô thị đặc biệt. Đến năm 2040, TP.HCM sẽ hình thành thêm 5 thành phố giống như TP Thủ Đức hiện tại để xây dựng mô hình đa trung tâm.

Một góc huyện Nhà Bè - TP.HCM

Với mục tiêu phát triển các huyện nhằm khai thác lợi thế của từng địa phương, hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng mới cho TP.HCM, TP.HCM đề xuất cho phép Thành phố chủ động xây dựng và triển khai mô hình phát triển đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị định hướng phát triển giao thông. Trong đó, phát triển các huyện thành các đô thị vệ tinh của TP.HCM là những đô thị hiện đại, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị số.

Với mục tiêu trên, TP.HCM sẽ đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị đa trung tâm, đô thị vệ tinh để tạo đà cho sự phát triển của 5 huyện trước khi lên thành phố và cũng kéo giãn dân số từ các quận trung tâm ra khu vực mới này.

Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu các huyện ngoại thành không xin chủ trương thành quận hoặc thành phố trong giai đoạn này mà tập trung nghiên cứu quy hoạch không gian, hình thành khung kết cấu hạ tầng giao thông, khu đô thị lớn…

Thực tế cho thấy, TP Thủ Đức từ khi thành lập đến nay (khoảng 3,5 năm) chưa có tính đột phá, chưa thuyết phục để trở thành mô hình điển hình có thể nhân rộng. 5 huyện trong kế hoạch phát triển đô thị thì hạ tầng xã hội và vấn đề việc làm còn nhiều hạn chế khi các dự án ở vành đai chủ yếu là nhà ở, thiếu bệnh viện, trường học và các hạ tầng khác để tạo ra việc làm.

Thành phố mới Bình Dương là một ví dụ giải thích vì sao một thành phố được quy hoạch và xây dựng bài bản nhưng vẫn vắng dân cư, cho dù thời gian này số lượng dân cư đã tăng lên đáng kể. Thành phố mới Bình Dương được khởi công xây dựng từ năm 2010 và năm 2014 có 50 đơn vị sở, ngành, cơ quan chức năng đã về làm việc tại Trung tâm hành chính của tỉnh.

Đến năm 2018, thành phố vẫn còn thưa thớt người và đến thời điểm hiện tại thành phố này mới thực sự sôi động. Do đó các nhà chuyên môn lo ngại liệu 5 thành phố đi lên từ huyện của TP.HCM có thực sự chờ được 10 năm để phát huy hiệu quả hay không?

Cũng theo các nhà chuyên môn, điểm yếu của quy hoạch đô thị TP.HCM là chỉ có 1 trung tâm nên gần như mọi hoạt động đều đổ dồn về đó, dẫn đến áp lực lên hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng đô thị. Do vậy, trong quy hoạch lần này, TP.HCM đặt quyết tâm hình thành 5 vùng đô thị, tập trung nguồn lực đầu tư hình thành những khu đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng ít nhất 60% chức năng tại chỗ. Nếu làm được điều này sẽ giúp TP.HCM giải quyết vấn đề gia tăng dân số nội đô, không gian đô thị, không gian phát triển và điểm nghẽn về giao thông.

Khai thác quỹ đất dọc các tuyến metro để đầu tư phát triển 

TP.HCM cũng nghiên cứu mô hình định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị. Trong đó, nguồn vốn từ bán đấu giá quỹ đất dọc theo hành lang các trục đường giao thông chính giúp trang trải toàn bộ chi phí xây dựng, thu hồi đất và đem lại nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng khác. 

Phát huy hiệu quả vai trò chính quyền đô thị, TP.HCM rà soát có 6 quận diện tích dưới 7km2 và dân số dưới 300.000 người phải sáp nhập gồm: Quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận, đồng thời 142 phường, xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích và dân số cũng phải sáp nhập. TP.HCM dự kiến sẽ trình Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ sớm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án trước ngày 30/6/2024.

Định hướng phát triển TP.HCM đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho cả vùng phía Nam.

Bình luận