Tuy nhiên, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội ở mức thấp (chiếm 0,36% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS), do trong thời gian qua, thị trường BĐS rất thiếu hụt nguồn cung đối với phân khúc này.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng liên quan đến quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng 21,38%, có tốc độ tăng trưởng cao nhất (15,45%). Tốc độ tăng trưởng này cũng phản ánh thực trạng lượng giao dịch và giá đất nền Quý I/2022 có sự tăng trưởng mạnh so với Quý trước.
Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đối với phân khúc BĐS khu công nghiệp và khu chế xuất có mức tăng trưởng 4,57%, chiếm 2,33% tổng dư nợ tín dụng BĐS. Mức tăng trưởng này phản ánh những dấu hiệu tích cực từ thị trường BĐS khu công nghiệp đầu năm 2022 .
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng đối với phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn tăng 0,76%, chiếm 4,08% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. Dư nợ đối với văn phòng, cao ốc tăng 3,95% và chiếm 2,54% tổng dư nợ tín dụng BĐS. Tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với phân khúc BĐS này tiếp tục duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng của đại dịch covid -19.
Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS khác có tốc độ tăng trưởng 1,36%, chiếm tỷ trọng 9,08% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS, bao gồm các mục đích như góp vốn, mua cổ phần của Công ty thuộc lĩnh vực BĐS, đầu tư các dự án phức hợp, đầu tư trái phiếu với mục đích kinh doanh BĐS, kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS…
“Dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu ở nhóm NHTMCP (54,83%), tiếp đến là nhóm NHTMCP Nhà nước (38,49%), các nhóm khác chiếm tỷ trọng 6,68%.
Dư nợ tín dụng BĐS tập trung chủ yếu tại 23 tổ chức tín dụng (có dư nợ trên 20.000 tỷ đồng), chiếm 90,6% dư nợ tín dụng BĐS của toàn ngành, trong đó lớn nhất là ngân hàng Techcombank 289.759 tỷ đồng” – Bộ Xây dựng cho biết.
Cũng theo Bộ Xây dựng, đến 31/03/2022, nợ xấu lĩnh vực BĐS là 36.281 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%, giảm nhẹ so với 31/12/2021 (1,67%). Có 18 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực BĐS trên 3%, trong đó cao nhất là nhóm các ngân hàng mua bắt buộc; Ngân hàng Sài Gòn (12,24%)....