Thông tin do bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước cho biết tại Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững do Ngân hàng nhà nước phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng tổ chức sáng 16/8 tại Hà Nội.
Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng là 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng chủ yếu tập trung tài trợ cho các dự án xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng sạch chiếm 47%, tài trợ cho các lĩnh vực nông nghiệp sạch chiếm 30% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Với mức dư nợ tín dụng xanh như ở Việt Nam hiện nay, ông Darryl James Dong - chuyên gia Tài chính của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cho rằng, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam quá thấp so với quy mô của nền kinh tế cũng như tiềm năng tăng trưởng của tín dụng xanh tại Việt Nam.
Thực tế theo báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, tín dụng xanh mới chỉ tập trung cho các dự án xanh trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Đối với lĩnh vực xây dựng, bất động sản và một số lĩnh vực khác gần như không có.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, hiện nay chưa có danh mục xanh chung cho các bộ ngành và chung cho quốc gia, là một trong những khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn các dự án xanh để thực hiện cấp tín dụng.
Các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá và các công cụ đo lường các tác động đến môi trường cũng đang thiếu.
Ngoài ra, vì các dự án xanh đòi hỏi các yếu tố về kỹ thuật, môi trường rất chuyên sâu cũng là một thách thức cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng.
Các dự án xanh có đặc thù yêu cầu vốn lớn trong thời gian dài, trong khi các tổ chức tín dụng trong nước phải đáp ứng tỷ lệ về sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, phải bảo đảm an toàn hệ thống, cũng là một khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số chủ đầu tư ý thức bảo vệ môi trường hạn chế, dẫn đến việc xảy ra xử phạt vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án này làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền và khả năng trả nợ của khách hàng đối với ngân hàng…