Đề xuất Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn
Bộ KH&ĐT đang dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo dự thảo Tờ trình trong hồ sơ xây dựng Luật, Bộ KH&ĐT đề xuất 5 chính sách cốt lõi, gồm:
(1) Tiếp tục thể chế hoá chủ trương xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy các ưu điểm của Luật Đầu tư công 2019, không gây xáo trộn trong hệ thống VBQPPL, luật hoá các chính sách đặc thù thí điểm đã phát huy hiệu quả;
(2) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm;
(3) Đa dạng hoá các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án phù hợp với thực tế và năng lực triển khai, huy động tối đa năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công;
(4) Quy định rõ một số nội dung còn phát sinh cách hiểu khác nhau và bổ sung một số quy định trong Luật;
(5) quy định một số nội dung đặc thù đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Đáng chú ý, liên quan đến chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, Bộ KH&ĐT đề xuất phân cấp từ UBTVQH cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn NSTW; Phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh chủ tương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
Phân cấp từ Quốc hội cho UBTVQH trong việc quyết định việc sử dụng nguồn vốn dự phòng chung vốn NSTW; Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn NSĐP từ HĐND tỉnh cho HĐND các cấp;
Phân cấp cho Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn NSTW; Phân cấp từ Quốc hội cho UBTVQH quyết định các khoản chưa phân bổ của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Làm rõ khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản
Đối với một số nội dung còn phát sinh cách hiểu khác nhau và bổ sung một số quy định trong Luật, Bộ KH&ĐT đề xuất quy định cụ thể các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gồm: Mục tiêu, quy mô, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư dự án;
Làm rõ khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản theo hướng giới hạn theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không phải Kế hoạch đầu tư công hằng năm; Làm rõ khái niệm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án tính từ thời điểm bắt đầu bố trí vốn thực hiện dự án;
Làm rõ khái niệm dự án sử dụng vốn đầu tư, tách biệt với nhiệm vụ chi thường xuyên quy định tại dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng; Hiệu chỉnh lại khoản 6 Điều 5 về đối tượng đầu tư công theo hướng việc cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý chỉ áp dụng cho các ngân hàng chính sách;
Bổ sung nội dung quy định trình tự, thủ tục xử lý khi phát sinh yếu tố dẫn đến thay đổi phân loại dự án; Bổ sung quy định về kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư;
Quy định hạn mức 20% tại khoản 2 Điều 89 không áp dụng với dự án quan trọng quốc gia, theo từng nguồn vốn NSTW hoặc NSĐP. Đối với vốn ODA tính theo hạn mức 20% vốn ODA của cả nước; Bổ sung khái niệm vốn quyết toán nhiệm vụ, dự án hoàn thành…
Theo Đề cương chi tiết Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi, làm rõ khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản theo hướng giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó, để tránh phát sinh cách hiểu với kế hoạch dầu tư công hằng năm.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật không còn phù hợp dưới hình thức một Luật sửa nhiều Luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.