Thu hẹp đối tượng không chịu thuế
Chiều 23/4, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) dự kiến gồm 4 Chương, 16 Điều, cơ bản được kế thừa từ Luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với chính sách thu, mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội...
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật liên quan tới quy định đối với: Người nộp thuế; Đối tượng không chịu thuế GTGT; Giá tính thuế GTGT; Thuế suất; Khấu trừ thuế GTGT đầu vào; Hoàn thuế GTGT…
Trong đó, về đối tượng không chịu thuế GTGT, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đề xuất bỏ quy định về hóa đơn, chứng từ tại dự thảo Luật; sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT theo quy định tại Luật số 31/2013/QH13; bổ sung vào điều khoản thi hành dự thảo Luật thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung Luật số 71/2014/QH13 liên quan đến nội dung về ngưỡng doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh nhằm đảm bảo thống nhất giữa 02 sắc thuế, thuận lợi trong triển khai.
Ngoài ra, để không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm, Chính phủ trình Quốc hội quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026…
Bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 để cân nhắc bổ sung phạm vi các nội dung chính sách được sửa đổi, bảo đảm tính bao quát, tổng thể đối với các nguồn thu, ít nhất là trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế GTGT.
Để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch của nội dung sửa đổi, bổ sung; đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm tính nhất quán giữa nội dung thể hiện trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật, các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự án Luật với nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về định hướng, cách thức xây dựng các danh mục, làm rõ các nội dung mang tính nguyên tắc, tạo căn cứ để Chính phủ ban hành danh mục và cung cấp dự thảo danh mục để cơ quan thẩm tra có đủ thông tin đánh giá về tính phù hợp.
Tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật, như: Mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, chuẩn nghèo đa chiều mới, GDP/đầu người tại thời điểm hiện nay đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2013 khi mức ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng…
Bổ sung quy định về thời điểm xác định thuế GTGT để bảo đảm rõ ràng, tránh các vướng mắc phát sinh trong thực thi Luật…