Theo The Guardian, mới đây, nước Đức đã triển khai thử nghiệm thực địa trên tuyến cao tốc A6, chính thức bước vào cuộc đua định hình hạ tầng giao thông điện hóa thế hệ mới. Cách thức hoạt động và tiềm năng công nghệ Dynamic Wireless Charging (DWC) là công nghệ cho phép xe điện sạc pin không dây trong khi đang di chuyển. Công nghệ này dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ: cuộn dây phát được chôn dưới mặt đường truyền điện cho cuộn dây thu trên xe.
So với các trạm sạc truyền thống, DWC giúp giảm nhu cầu pin dung lượng lớn, rút ngắn thời gian dừng đỗ, và giúp phân bố đồng đều áp lực lên hệ thống điện theo chiều dài tuyến giao thông. Thử nghiệm sạc động trên đã được tiến hành trên Autobahn A6 tại bang Bavaria, với việc thiết lập đoạn đường cao tốc dài 1 km trên tuyến cáo tốc này như một khu vực thử nghiệm cho công nghệ sạc động không dây. Theo Reuter, dự án này do Đại học Erlangen-Nürnberg phối hợp với công ty công nghệ Electreon (Israel) và Autobahn GmbH phối hợp triển khai.

Trên thực tế, các cuộn cảm được chôn dưới lòng đường truyền điện đến bộ thu trên xe đang di chuyển với tốc độ lên đến 80 km/h. Hiệu suất truyền điện đạt trên 90%, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thử nghiệm công nghệ này trên hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn.
Nhiều quốc gia tiên phong trong công nghệ sạc động
Tại Thụy Điển, dự án Smartroad Gotland đã được triển khai trên đảo Gotland, cho phép xe buýt và xe tải nhận sạc với công suất lên tới 100kW khi chạy ở tốc độ 80 km/h. Hệ thống này đã chứng minh tính ổn định trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Tại Pháp, Renault hợp tác cùng Electreon để triển khai tuyến sạc động tại Versailles, ứng dụng cho xe thương mại nhỏ hoạt động trong đô thị. Tại Hoa Kỳ, bang Michigan hợp tác với Electreon thiết lập tuyến sạc dài 1,6 km tại Detroit, hướng tới đối tượng sử dụng là đội xe công vụ và logistics. Công nghệ sạc động ban đầu được Electreon triển khai tại Israel, đặc biệt ở Tel Aviv với đối tượng được ưu tiên là xe buýt công cộng.
Tuy nhiên, theo BloombergNEF, công nghệ này dù mang tiềm năng cách mạng hạ tầng giao thông điện hóa, công nghệ sạc động vẫn đối diện nhiều thách thức: chi phí đầu tư ban đầu cao, chưa có chuẩn hóa toàn cầu về an toàn điện từ, tương thích thiết bị, và chỉ phù hợp với các hành lang giao thông ổn định như xe buýt hay xe tải trước khi áp dụng rộng rãi cho xe cá nhân.
Tuy nhiên, nếu vượt qua được các rào cản trên, công nghệ này hoàn toàn có thể thay đổi cách thức thiết kế pin trên xe điện (nhỏ hơn, rẻ hơn), giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng xe điện trong đô thị và tái định hình hạ tầng giao thông trong tương lai.
Thử nghiệm sạc không dây động trên cao tốc A6 của Đức đã cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng của một công nghệ tưởng như viễn tưởng. Khi các quốc gia tiên phong nhập cuộc, tương lai những tuyến đường "thông minh" không chỉ kết nối mà còn cung cấp năng lượng, hoàn toàn có thể trở thành xương sống cho giao thông điện hóa toàn cầu.