Dùng đầu tư công làm “vốn mồi“, thu hút đầu tư tư nhân

05:56 26/05/2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Chính phủ đang dùng nguồn lực của Nhà nước để kích thích sự đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp, trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, sáng 25/5.

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, chính sách tài khóa rất khó khăn, cần có nguồn ngân sách để mua 150 triệu liều vắc xin, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép chuyển một số nguồn tiết kiệm, dự phòng, thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 nhằm huy động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và người dân.

Nhờ đó, đến nay Việt Nam đã tiêm 225 triệu liều vắc-xin cho người dân, trở thành một trong 6 quốc gia tiêm vắc-xin nhanh và đạt tỷ lệ bao phủ cao nhất, thể hiện sự thành công lớn, những nỗ lực, quyết tâm trong phòng chống dịch của Chính phủ.

Chịu tác động của Covid-19, nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,58% nhờ sự phục hồi từ quý IV/2021 từ việc tập trung phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng.

Năm 2021, bội chi ngân sách bằng 3,41% GDP, nợ công 43%, nợ Chính phủ 39%, nợ nước ngoài 38% GDP... Thể hiện sự nỗ lực lớn trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Năm 2021 cũng là năm có nhiều việc rất khó, phức tạp được Chính phủ tập trung xử lý, như: hoàn thành dự án Cát Linh - Hà Đông, giải quyết cơ chế xử lý bù giá cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, hoàn thành phương án xử lý 3 ngân hàng 0 đồng, trong số 12 dự án thua lỗ thì một số dự án đã được bàn giao và đi vào hoạt động, tập trung ĐTXD các đường cao tốc, sân bay đã tạo ra sự đột phá lớn về cơ sở hạ tầng, tạo đường băng để phát triển kinh tế như: sân bay Long Thành, sân bay Điện Biên, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông…

Đặc biệt, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm góp phần duy trì, tạo được đà phát triển cho các hoạt động kinh tế - xã hội, như: giãn hoãn thuế lên đến 129 nghìn tỷ đồng, miễn giảm 37 loại thuế, phí như thuế xăng dầu hàng không, thuế trước bạ…

Bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tình hình kinh tế - xã hội. Trước tiên là nỗi lo lạm phát, dù Việt Nam vẫn đang xuất siêu. Lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn đều đang tăng cao trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng, xung đột ở Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam đang đối mặt nguy cơ lạm phát khi giá cả hàng hóa đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng đi lên đang gây áp lực lên các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay lãi suất cao thì khả năng tiếp cận lãi suất khó, giá thành sản xuất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho cả nền kinh tế. Một số ngân hàng thương mại cũng khó khăn, nợ xấu cao…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước vừa trải qua đại dịch, vấn đề cốt lõi lúc này là tìm cách tăng năng lực cho nền kinh tế, muốn vậy phải phát triển sức sống của doanh nghiệp, động lực quan trọng nhất để phục hồi và phát triển kinh tế.

Mọi cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, bởi “đường đi đến đâu thì trăm nghề phát triển đến đó”, giải quyết được vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư.

Chính vì vậy, Chính phủ đã tập trung thúc đẩy xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc, đi qua nhiều địa phương, dùng nguồn lực của Nhà nước kích thích sự đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp tư nhân.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu ngân sách đạt 44,6% dự toán, tăng 15,4% so với năm 2021. Đến 22/5/2022, thu ngân sách 758.000 tỷ đồng, đạt 54% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện sức sản xuất của nền kinh tế đang phục hồi và phát triển. Cho nên, điều quan trọng lúc này là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, đặc biệt là dùng đầu tư công để làm vốn mồi, thu hút đầu tư tư nhân.

 

Bình luận