Dung hòa giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng đô thị

Bài viết này có mục tiêu trình bày một số khuyến nghị để hỗ trợ cho các bên liên quan của Việt Nam trong việc triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW và qua đó cải thiện sự chuyển dịch của các địa phương theo định hướng tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi với biến đổi khí hậu.

Tác động của BĐKH và chiến lược thích ứng của các đô thị Việt Nam

Chương trình nghiên cứu GEMMES Việt Nam về “những tác động kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu (BĐKH)và những chiến lược thích ứng ở Việt Nam” là một trong những nội dung chính của Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa AFD và Bộ TN&MT vào năm 2018.

Báo cáo “BĐKH ở Việt Nam: tác động và thích ứng” trong khuôn khổ chương trình này đã được ông Rémy Rioux - Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp chính thức trao cho Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vào ngày đầu tiên của Hội nghị COP 26 tại Glasgow (ngày 01/11/2021), với sự chứng kiến của chuyên gia giữ vai trò chủ biên của Báo cáo - ông Etienne Espagne.

Báo cáo gồm 13 chương này trình bày một đánh giá toàn diện, tổng quan và đa ngành/đa lĩnh vực về một vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm. Một sự hợp tác đặc biệt giữa 60 nhà nghiên cứu và chuyên gia của Việt Nam và Pháp đã cho phép thiết lập một đối thoại chưa có tiền lệ giữa các nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau, từ địa lý, khí hậu, kinh tế hoặc thậm chí là nhân chủng học, cho tới lịch sử môi trường. Báo cáo này trình bày những khuyến nghị về chính sách công có thể phục vụ cho quá trình đối thoại chính sách cấp cao với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, cũng như cho những cuộc thảo luận về kỹ thuật và khoa học đang diễn ra (1). 

Báo cáo cho thấy BĐKH có thể có những tác động lớn đối với một loạt các lĩnh vực khác nhau như y tế (tăng tỷ lệ tử vong, tỷ lệ ca bệnh truyền nhiễm), nông nghiệp, năng lượng, hiệu suất tổng của toàn bộ các tác nhân hoặc năng suất lao động. Nếu không kể tới những yếu tố phi tuyến tính về kinh tế - xã hội có thể xuất hiện với BDKH, tác động kinh tế trực tiếp cộng dồn của các ngành này gây ra một mức giảm GDP hàng năm ở mức trung bình 1,8% trong trường hợp nhiệt độ tăng thêm 1°C so với giai đoạn trước cánh mạng công nghiệp 1851 - 1900. Mức giảm GDP trung bình này lên tới 4,5% trong trường hợp nhiệt độ tăng 1,5°C và 6,7° trong trường hợp nhiệt độ tăng 2°C. Mặt khác, những tác động của BĐKH càng trở nên nghiêm trọng với những xáo trộn do hoạt động của con người gây ra, như đối với trường hợp ĐBSCL: đất nhiễm mặn, nước biển dâng, sụt lún nền đất đồng bằng.

Những tác động này sẽ ảnh hưởng tới quỹ đất. Trong bối cảnh này, các chính sách công của Việt Nam về phát triển đô thị cần phải đề ra các giải pháp hành động.

Mô hình tăng trưởng đô thị của Việt Nam cần được cách tân để thích ứng

Việt Nam là một trong những nước trong lục địa dễ bị tổn thương nhất vì thiên tai và tác động của BĐKH với tần suất và cường độ ngày càng tăng.

BĐKH, kết hợp với sự mở rộng đô thị thiếu kiểm soát và sự hủy hoại đa dạng sinh học không thể khắc phục nổi ở một số địa phương sẽ làm cho người dân càng dễ bị tổn thương với những rủi ro khí hậu, đặc biệt là ngập lụt. Để minh họa, năm 2022 trong khuôn khổ quy trình thẩm định dự án của TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), nghiên cứu đánh giá tính dễ tổn thương với BĐKH đã cho thấy rằng cường độ của các trận mưa vào năm 2050 sẽ mạnh hơn rất nhiều so với những mức tối đa hiện đã ghi nhận được cho tới nay(2). Những trận mưa lớn này cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Trước tác động ngày càng rõ rệt của BĐKH, mô hình tăng trưởng đô thị của Việt Nam cần được cách tân để thích ứng tốt hơn với những thách thức sắp tới. Theo đó, việc cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu của một địa phương cũng là một vấn đề về mô hình phát triển và tăng trưởng đô thị. Cần hiểu rõ những thách thức mà các đô thị Việt Nam hiện phải đối mặt.

Nền tảng của mô hình phát triển đô thị ở Việt Nam dựa trên nguyên tắc tăng trưởng phục vụ phát triển kinh tế. Là những nơi tập trung phát triển kinh tế và tăng dân số, các đô thị đã đóng vai trò bộ khung về lãnh thổ và hành chính của sự phát triển kinh tế và công nghiệp quốc gia, góp phần tạo nên thành công của mô hình tăng trưởng Việt Nam.

Theo đó, nhiều thành phố đã được hưởng sự đầu tư lớn để đuổi kịp các đô thị đi trước về cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống nhân dân – quản lý rác thải, cấp thoát nước và xử lý nước thải, giao thông, nhà ở, cảnh quan đô thị… Mô hình tăng trưởng này dựa một phần vào hệ thống phân loại đô thị và cấp đô thị theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị số 32/2009/QH12.

Luật này khuyến khích các chính quyền địa phương tích cực triển khai những chính sách đầu tư với mục tiêu nâng cấp đô thị (trong hệ thống 5 cấp đô thị), qua đó được hưởng mức hỗ trợ lớn hơn từ ngân sách Nhà nước. Mô hình này cũng như sự cần thiết phải tính tới hiện tượng đô thị hóa hiện tại, tạo nên sự khuyến khích phát triển đô thị theo chiều rộng ở những khu vực mới phát triển trên các diện tích đất thường dành cho nông nghiệp hoặc đất tự nhiên.

Phương thức này huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân, qua đó, cho phép các địa phương tăng nguồn thu ngân sách qua việc cấp phép xây dựng để đổi lấy nguồn tài trợ cho những công trình hạ tầng đô thị mới. Như vậy, loại mô hình phát triển đô thị này không cho phép có sự nghiên cứu quy hoạch ở cấp độ phù hợp và thúc đẩy sự mở rộng đô thị trên cơ sở các giải pháp cứng hóa nền đất.

Tổ chức liên xã(3): Một mô hình Việt Nam có thể tham khảo để cải cách mô hình tăng trưởng đô thị

Pháp đã từng gặp vấn đề là sự thay đổi phương thức từ xem xét cấp độ phù hợp cho sự phát triển một cách thiếu kết nối với sự tiếp cận theo chức năng(4), chuyển sang phương thức tiếp cận theo khu vực lãnh thổ cân bằng và đoàn kết hơn. Các luật tạo thuận lợi cho sự thiết lập các tổ chức liên xã vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000 đã cho phép các đô thị chuyển từ một mô hình tăng trưởng và đầu tư thiếu hiệu quả và thường tốn kém sang một mô hình hiệu quả hơn về quản lý đầu tư địa phương.

Thông qua việc khuyến khích liên kết giữa các đô thị trong một cơ chế công về hợp tác liên xã (EPCI) bằng hình thức thuế quan, Nhà nước Pháp đã khuyến khích các chính quyền địa phương cùng chia sẻ sự quản lý các thiết bị hoặc dịch vụ công (thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom và xử lý nước thải, giao thông đô thị…), cũng như lập ra các dự án phát triển kinh tế, quy hoạch hoặc đô thị hóa ở cấp độ một khu vực rộng lớn hơn là một xã.

Thay vì đầu tư và quy hoạch nhiều khu vực kinh tế kém hấp dẫn ở mỗi xã, sự tập hợp các xã trong cơ chế này đã cho phép tạo ra một khu vực dự án phù hợp với những thách thức về nhà ở và tạo việc làm của khu vực đó. Mô hình quản lý liên xã này cho phép có sự tiết kiệm theo bậc thang (qua việc hạn chế đầu tư nhiều lần với những chi phí quản lý và bảo dưỡng tốn kém) cũng như hình thành những công trình hạ tầng mới đáp ứng được những nhu cầu mới mà trước hết là phát triển kinh tế.

Mặc dù chưa tạo được những điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao nhận thức về những thách thức liên quan đến chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu, các luật về tổ chức liên xã ở Pháp đã cho phép các đô thị lập quy hoạch cho sự phát triển của mình ở cấp độ phù hợp và hiệu quả hơn. Sự phát triển có kiểm soát và cân bằng này cũng đã cho phép sử dụng quỹ đất ít hơn, kèm theo đó là sự tái kích hoạt và cải tạo lại các khu vực trung tâm cũ.

Những ví dụ về chính sách công này có thể tạo ra một khuôn khổ mà Việt Nam có thể tham khảo để cải cách mô hình tăng trưởng đô thị.

Mức độ xâm nhập mặn tăng theo các kịch bản về BĐKH, xói lở bờ sông và sụt lún ở Việt Nam. Nguồn: Báo cáo đặc biệt của Nghiên cứu GEMMES Việt Nam dành cho COP 26 https://www.afd.fr/en/ressources/gemmes-vietnam-climate-change-impacts-and-adaptation

Các đô thị chủ động phòng chống và thích ứng với BĐKH

Ở Việt Nam, việc áp dụng các giải pháp cứng hóa nền đất theo những quy hoạch địa phương dự kiến, kết hợp với những hiện tượng khí hậu với cường độ ngày càng tăng sẽ khiến cho các địa phương trở nên dễ tổn thương hơn một cách đáng kể, do đó người dân đô thị sẽ phải chịu những rủi ro lớn hơn vì thiên tai. Sự giảm bớt diện tích đất nông nghiệp và các không gian tự nhiên (khu vực đất ẩm, rừng, rừng ngập mặn…) vốn giữ vai trò xả lũ cũng đồng nghĩa với việc các vùng trữ nước trong mùa lũ bị biến mất ở mức độ tương đương.

Nước sẽ chảy tràn ở các khu vực đã đô thị hóa vốn trước đây không bị ngập, và gây ra những tai họa ở các khu vực chưa bị ảnh hưởng. Việc áp dụng giải pháp xây đê kè (thường được coi là tạo thuận lợi cho quy hoạch đô thị) cũng có thể là một yếu tố khiến cho những rủi ro này càng trở nên nghiêm trọng: những hệ quả trong trường hợp nước tràn bờ (hoặc vỡ đê/kè) có thể rất nghiêm trọng, cũng bởi vì đê kè làm giảm diện tích bãi bồi lòng sông, khiến cho dòng chảy đạt tốc độ cao hơn và do vậy có thể gây ra những tác động rất lớn ở thượng lưu cũng như hạ lưu.

Xét tới cường độ của các hiện tượng gặp phải, thách thức đối với các đô thị Việt Nam đương nhiên sẽ là thích ứng với BĐKH, nhưng các đô thị sẽ không thể ngăn chặn những trận lụt cực lớn, dải bờ biển bị lùi dần hoặc các đợt nóng. Cần phải: 1) dự kiến cường độ của các sự kiện thời tiết cực đoan và tác động của các hiện tượng này đối với người dân; 2) tạo ra những công cụ cho phép thích ứng với các biến động này, hạn chế các tác động của chúng và cho phép quay trở lại tình trạng bình thường trong thời gian ngắn nhất có thể. Phương thức hành động này dựa trên dự báo những hiện tượng tương lai có thể xảy ra với các đô thị, nhất là:

- Đối với những sự kiện có cường độ thấp và trung bình, cần xây dựng những công trình hạ tầng với quy mô đủ để bảo vệ người dân cũng như tiêu thoát nước nhanh chóng hơn nhằm tạo thuận lợi cho sự quay trở lại tình trạng bình thường. Sự áp dụng các chuẩn mực quốc gia về xác định quy mô các công trình hạ tầng đô thị(5) sẽ cần phải phù hợp với những biến động của các dự báo (đặc biệt là khi xác định quy mô các mạng lưới tiêu thoát nước và các công trình đê kè);

- Giảm đáng kể tính dễ tổn thương khi gặp các hiện tượng cực đoan, thông qua sự phát triển các kịch bản ứng phó toàn diện nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là những người dân dễ tổn thương nhất (giám sát và quan trắc, thông tin dự báo phòng ngừa và tuyên truyền cho người dân, các hệ thống cảnh bảo, chuẩn bị quản lý khủng hoảng, quản lý sau khủng hoảng).

Minh họa về xử lý thông tin qua phần mềm Cerema CartEau.

Công cụ số - ứng dụng mới phục vụ phòng chống rủi ro ở đô thị

Sự phát triển như vũ bão của các công cụ số, gắn với sự phát triển khả năng tiếp cận dữ liệu, đã tạo thuận lợi cho nhiều ứng dụng mới phục vụ phòng chống rủi ro ở khu vực đô thị. Những tiến triển này có thể ảnh hưởng tích cực tới các đô thị Việt Nam trong việc tận dụng sự phát triển công nghệ số phục vụ cho quy hoạch địa phương.

Sự phát triển công nghệ hình ảnh vệ tinh phục vụ quan trắc các khu vực đã xây dựng trong tầm dài hạn cho phép các chủ thể ở địa phương có được những tầm nhìn mới và những công cụ thực sự hữu ích hỗ trợ quy trình ra quyết định. Ví dụ, hiện nay có thể so sánh sự tăng trưởng đô thị trong một giai đoạn nhất định và phân tích chính xác mật độ không gian xanh của một đô thị theo những quy định hiện hành.

Việc sử dụng các công cụ này có thể dùng để phục vụ cho sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi của các địa phương. Một ví dụ khác là trung tâm CEREMA (Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về rủi ro, môi trường, giao thông và quy hoạch Pháp) đã tạo lập một công cụ dự báo những nguy cơ nhiệt độ tăng cao ở vùng đô thị, công cụ này cung cấp những dự báo trước 2/3 ngày ở cấp độ của một khu phố và cho phép các chủ thể địa phương thực hiện những biện pháp bảo vệ người dân.

Một công cụ số khác được phát triển cho phép tận dụng những hình ảnh vệ tinh chụp trong những trận lụt để từ đó lập ra những bản đồ chuẩn xác của toàn bộ các khu vực bị ngập lụt trong phạm vi hàng chục và thậm chí hàng trăm km2. Công cụ này cũng cho phép theo dõi tốc độ tiêu thoát nước. Loại công cụ này có thể có tính thiết yếu trong những giai đoạn ra quyết định về quy hoạch đô thị cũng như xác định các công trình hạ tầng phù hợp để giảm thời gian ngập lụt.

“Ngập lụt, tốt nhất là dự báo trước”(5)

Ngập lụt không đồng nghĩa với không thể xây dựng hoặc từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng một diện tích đất nào đó để xây dựng. Nhờ các phương pháp mô hình hóa các rủi ro ngập lụt, có thể tìm được các giải pháp xây dựng trên những khu vực có thể bị ngập, nhưng trong một khuôn khổ nhất định và có dự kiến trước.

Ví dụ, ở Marseille, khu Canet (25 ha) là một khu đường sắt cũ bỏ hoang và đã bị xuống cấp trầm trọng với dấu ấn của một quá khứ là khu công nghiệp. Khu vực này phải chịu những rủi ro ngập lụt lớn do lấn vào lòng suối Aygalades. Dự án của thành phố là chuyển đổi khu vực không thể xây dựng này thành công viên đô thị trên một diện tích 10 ha, và có các công trình điều tiết nước với công suất lớn khi có lũ. Qua đó, dự án tạo ra được một không gian cây xanh cho người dân thành phố khi không có lũ lụt.

Một ví dụ khác, những trận lụt lưu vực sông Seine năm 2018 đã nêu bật sự thích hợp của quy hoạch đô thị ở Romorantin về phía thượng nguồn của Paris, với khu phố chịu ngập tốt. Mặc dù khu phố này đã bị ngập lụt, nhưng những thiệt hại là rất hạn chế và giai đoạn bị ngập được hạn chế chỉ vài ngày nhờ vào thiết kế kiến trúc và đô thị của khu phố đã tính tới rủi ro này. Mặt khác, những khu vực chịu ngập là các không gian cây xanh trong thời gian bình thường và vẫn duy trì được chức năng đô thị (không gian giải trí, giảm nhiệt độ…).

Công viên Aygalades ở Marseille vào năm 2026 - EPA châu Âu - Địa Trung Hải (Agence Leclercq).

Quản lý quỹ đất hợp lý - nền tảng của phát triển đô thị có trách nhiệm

Sự triển khai các chính sách phòng chống rủi ro thiên tai là một yêu cầu bắt buộc xuất phát từ các rủi ro BĐKH ngày càng tăng. Để ngăn chặn sự xuất hiện của những rủi ro mới, cần phải tránh để người dân phải chịu rủi ro. Để đạt được điều này, Việt Nam có thể thực hiện một chính sách quan trọng về quản lý quỹ đất với mục tiêu là sử dụng quỹ đất một cách hợp lý và không áp dụng giải pháp cứng hóa tràn lan.

Với những công cụ pháp chế cả về mặt quy hoạch chiến lược cũng như về đô thị hóa và áp dụng trong thực tiễn đô thị hóa, Chính phủ có thể xác định khuôn khổ nghiêm ngặt hơn cho quản lý đất đai qua đó cho phép các đô thị Việt Nam đi theo một lộ trình kiên định để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu.

Ở cấp độ quy định pháp luật, có những công cụ có thể hữu ích cho Chính phủ trong việc quản lý sự phát triển đô thị, với việc hình thành những công cụ về quản lý đất đai như luật về ưu tiên sử dụng đất đô thị, các quy định về hạn chế sử dụng nền đất, hoặc thậm chí áp dụng các quy hoạch phát triển cho phép tránh xâm phạm các khu vực không thể xây dựng. Ở Pháp, những quy hoạch phòng chống rủi ro thiên tai là những tài liệu quy hoạch tạo nên các quy định về sử dụng nền đất tùy theo những rủi ro thiên tai có thể dự báo trước với mỗi khu vực.

Một ví dụ khác, trong thực tế, việc định hướng nghiêm ngặt hơn cho khu vực tư nhân để phục vụ triển khai các quy hoạch tổng thể của các thành phố và các tỉnh có thể được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của các công ty có sự tham gia vốn của cả chính quyền và tư nhân, trong đó chính quyền giữ cổ phần chi phối để kiểm soát việc thực hiện tốt những văn bản quy hoạch và đô thị hóa.

Các doanh nghiệp Nhà nước tại địa phương này sẽ là những đơn vị thí điểm của các thành phố hoặc các tỉnh và có thể nhận một phần vốn ngân sách Nhà nước cấp để phục vụ cho sự phát triển đô thị. Với những đặc quyền với tư cách là đơn vị công, các doanh nghiệp này sẽ bảo đảm việc triển khai áp dụng những quy chuẩn, tham chiếu và nghĩa vụ cần thiết cho quá trình đô thị hóa có trách nhiệm về bảo vệ không gian tự nhiên và đất nông nghiệp và hạn chế những rủi ro khác nhau gắn với biến đổi khí hậu.

Ở Pháp, việc thành lập khu Eco-Vallée của thành phố Nice vào năm 2014, cùng với đơn vị quản lý khai thác khu này (EPA Plaine du Var) có mục tiêu là khuyến khích một mô hình phát triển đô thị mới kết hợp thành phố với tự nhiên trên một phạm vi hơn 10.000 ha, trong đó tích hợp những lối sống và phương thức cư trú mới trong khu quần thể này.

Đơn vị khai thác vận hành đại diện cho chính quyền này bảo đảm việc tính tới những rủi ro khí hậu trong mô hình đô thị được đề ra (quy hoạch, hình thức, mật độ, vật liệu) và đặc biệt là tính tới những rủi ro về ngập lụt nghiêm trọng mà người dân phải đối mặt ở một khu vực rất dễ tổn thương do BĐKH. Đơn vị này cũng phụ trách điều tiết sử dụng quỹ đất ở các khu vực có những thách thức đặc thù thông qua hạn chế đầu cơ và cứng hóa nền đất tràn lan.

Cuối cùng, với một phương thức tiếp cận mang tính chiến lược hơn, Pháp đã triển khai hai chiến lược quốc gia về quản lý đất đai trong hai giai đoạn khác nhau. Đây là một phương thức tiếp cận mà Việt Nam có thể xem xét.

Kể từ năm 1985, Pháp có một luật mang tên “Luật ven biển” có hiệu lực với 1.200 xã ven biển, qua đó cho phép bảo vệ các không gian tự nhiên, các khu vực cảnh quan và sự cân bằng sinh thái vùng duyên hải thông qua việc cấm xây dựng trên một dải bờ biển rộng 100 m kể từ giới hạn cao nhất của bờ biển (ngoài các khu vực đã đô thị hóa).

Chỉ có những công trình xây dựng tiếp nối những khu vực đã đô thị hóa (với đặc trưng là có mật độ xây dựng đáng kể) mới được cấp phép. Luật này cho phép các nhà quyết định chính sách ở địa phương có những phương tiện để triển khai một quy hoạch bền vững cho các vùng duyên hải (có khả năng điều chỉnh luật theo từng khu vực để thích ứng với những đặc thù địa phương), nhằm triển khai các dự án có quy mô hợp lý và phù hợp với những thách thức về kinh tế và môi trường phải giải quyết.

Song song với luật này, Cơ quan bảo vệ vùng duyên hải đã được thành lập. Đây là một tổ chức công nghiệp và thương mại công với mục tiêu là mua lại 1/3 dải bờ biển Pháp để tránh xây dựng hoặc cứng hóa nền đất. Cơ quan này có thể tiếp nhận các khu đất ở dải bờ biển cũng như các khu vực biển thuộc sở hữu Nhà nước (từ năm 2002), các vùng ẩm của các tỉnh duyên hải (từ năm 2005), các cửa sông, các dòng chảy thuộc phạm vi đất công và các hồ (kể từ năm 2009).

Gần đây hơn, Kế hoạch quốc gia “tuyệt đối không cứng hóa nền đất” đã được lập và triển khai vào năm 2019. Đây là một kế hoạch hành động quốc gia liên ngành do Bộ Chuyển tiếp sinh thái Pháp điều phối, với mục tiêu là đến năm 2050 sẽ hoàn toàn không có các công trình xây dựng ở các khu đất tự nhiên. Để đạt được mục tiêu này, kế hoạch hành động quốc gia này dự kiến một loạt các đề xuất (xem bảng), phù hợp với những cam kết của Pháp trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.

Mô hình nào cho đô thị Việt Nam trong thực hiện cam kết khí hậu?

Những ví dụ về ứng dụng ở Pháp được nêu ở bài viết này cho phép kìm hãm việc sử dụng đất nhưng không phải là một biện pháp khắc phục sự phát triển đô thị trải rộng. Ở Pháp, mặc dù đã có một loạt những quy định pháp luật và công cụ thực hiện dành cho các cơ quan chính quyền và các đơn vị công, vẫn có tới 30.000 ha bị cứng hóa nền đất trong mỗi giai đoạn 15 năm, tương đương với gần 1% lãnh thổ quốc gia. Nhận định này cho thấy tầm quan trọng của những sự chuyển đổi cần thực hiện và sự chậm thay đổi trong xây dựng đô thị.

Theo đó, sự phát triển các giải pháp kỹ thuật số, kỹ thuật, pháp lý và chiến lược đa dạng sẽ là thiết yếu để hỗ trợ cho sự tăng trưởng đô thị có khả năng chống chịu, phục hồi ở Việt Nam. Là một nhà tài trợ quốc tế, AFD sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh và các thành phố trên toàn quốc để triển khai các giải pháp, nhất là thông qua sự hợp tác cùng Cục Phát triển đô thị(6). Tuy vậy, nếu xét đến cường độ của BĐKH ở Việt Nam, những nỗ lực này sẽ là không đủ nếu mô hình tăng trưởng đô thị không được điều chỉnh.

Dixit.net - Sylvain Grisot - “Đô thị tuần hoàn” 2020 - các phương thức tiếp cận hạn chế cứng hóa nền đất.

Các luật đang được soạn thảo ở Việt Nam để hỗ trợ triển khai những cam kết tại COP 26 là một cơ hội có một không hai để cho phép Việt Nam tìm ra những biện pháp nhằm bảo đảm sự bền vững của mô hình phát triển đô thị của mình tới năm 2050.

Tham vọng này có thể được cụ thể hóa: 1) thông qua việc khuyến khích các đô thị triển khai các chiến lược kiểm soát cứng hóa nền đất, đặc biệt là thông qua những cơ chế hỗ trợ về thuế và tài chính; 2) thông qua việc khuyến khích các mô hình hợp tác và đoàn kết địa phương, vốn cần thiết cho các nhà quyết định chính sách cấp địa phương trong việc quy hoạch phát triển địa phương ở một cấp độ phù hợp.

Cuối cùng, xây dựng đô thị là một quy trình kéo dài. 80% đô thị của năm 2050 hiện đã được xây dựng. Cùng với việc đề ra các giải pháp để hạn chế sử dụng quỹ đất trong việc xây dựng 20% đô thị còn lại, cần triển khai các chính sách công phù hợp cho phần 80% gồm có các đô thị đã xây dựng. Các chính sách công tạo thuận lợi cho sự tái thiết các không gian đô thị và kiến thiết lại thành phố cũng có thể được triển khai…

(*) Clément Larrue: Trưởng nhóm dự án “Thành phố bền vững”, Ban đô thị, Cơ quan phát triển Pháp.

Antoine Mougenot: Trưởng nhóm dự án “Thành phố bền vững”, Ban đô thị, AFD

Quentin Lebègue: Trưởng Ban phát triển đô thị và liên kết xã hội, AFD Hà Nội

(1) Sự hợp tác khoa học hiện nay vẫn được tiếp nối trong khuôn khổ những mục tiêu mới mà Việt Nam đã đề ra tại COP 26, cụ thể là đạt trung hòa các-bon vào năm 2050 và xóa bỏ hoàn toàn nhiệt điện than từ nay tới 2040. Hai công trình nghiên cứu bổ sung có quy mô lớn dự kiến sẽ được hoàn thành trong thời gian cuối năm 2022, một mặt nhằm nghiên cứu sâu về thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL khi phải đối mặt với sự kết hợp giữa những xáo trộn do hoạt động của con người gây ra ở cấp độ địa phương cũng như toàn cầu, và mặt khác nghiên cứu về những sự chuyển biến cơ cấu sắp tới của xã hội và nền kinh tế Việt Nam theo những mục tiêu mới của quốc gia.
(2) Trong khuôn khổ các mô hình khí hậu đã thực hiện (RCP8.5), các tham chiếu về lượng mưa tối đa tại trạm quan trắc Đông Hà trong giai đoạn 1970 - 2020 tương ứng với những số liệu của hiện tượng mưa có tần suất tương đương 20 năm.
(3) Chú thích của người dịch : cấp xã (commune) là đơn vị hành chính địa phương thấp nhất của CH Pháp: có thể là một thành phố, một thị trấn, một ngôi làng hay đơn giản là một khu vực nông thôn.
(4) Các luật đầu tiên từ năm 1960 (trong đó có Luật định hướng đô thị năm 1991) đã cho phép tập trung các phương tiện vào những khu vực ưu tiên để bảo vệ hoặc phát triển, nhưng việc phân chia khu vực xuất phát từ phương thức này đã dẫn đến sự hình thành các biên giới và một số sự phân biệt về xã hội và kinh tế. Các luật tiếp theo và nhất là Luật định hướng quy hoạch và phát triển bền vững lãnh thổ (LOADDT 1995 & 1999) và Luật Đoàn kết đổi mới đô thị (SRU) vào năm 2000, đã coi sự phát triển bền vững là ưu tiên trong quy hoạch các vùng lãnh thổ và đô thị, tạo thành các không gian kết hợp các tác nhân công và tư xoay quanh một dự án phát triển và một hợp đồng theo mục tiêu.
(5) “Ngập lụt, tốt nhất là dự báo trước”, tập hợp báo cáo kỹ thuật AFD, O.Gilard, 2018.
(6) Bộ Xây dựng và AFD đã ký kết một thỏa thuận hợp tác vào năm 2022 để chính thức triển khai quan hệ hợp tác này.

 

Bình luận