Phóng viên: - Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Fed?
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: - Với mức giảm mạnh 0,5% thay vì 0,25%, cho thấy chính sách tiền tệ của Fed đã đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng. Bởi lẽ kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái, lạm phát về gần mục tiêu, buộc Fed mạnh tay hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức này cũng đã được dự báo trước nên cũng không bất ngờ đối với thị trường. Sau đợt giảm này, chắc chắn trong năm nay sẽ có ít nhất một đợt giảm lãi suất nữa trong tháng 10 hoặc tháng 11.
Vấn đề đặt ra là động thái giảm lãi suất hiện tại của Fed cũng sẽ tác động tốt đến kinh tế thế giới, vì khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng trở lại, góp phần giúp cho sức cầu của kinh tế thế giới phục hồi. Đồng thời, Fed giảm lãi suất cũng tạo dư địa cho các NH trung ương ở các quốc gia khác giảm lãi suất theo, thay vì duy trì lãi suất cao tương tự như Fed, từ đó góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của các nước.
- Vậy cụ thể với Việt Nam sẽ tác động ra sao, đặc biệt là chính sách tiền tệ, thưa ông?
- Trước khi Fed giảm lãi suất, vào ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có động thái hạ lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), từ 4,25%/năm xuống 4%/năm trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt. Đây cũng là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất OMO kể từ nửa cuối năm 2024, lần đầu giảm vào ngày 5/8.
Trước đó, nhà điều hành đã có 2 lần nâng lãi suất OMO vào tháng 4 và tháng 5/2024, từ mức 4%/năm lên 4,25%/năm và lên 4,5%/năm khi tỷ giá căng thẳng. Việc giảm lãi suất OMO khi tỷ giá hạ nhiệt, cho thấy NHNN đang cố gắng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho DN và người dân.
Còn nhớ sau khi NHNN giảm lãi suất OMO xuống 4%/năm, tỷ giá USD/VNĐ đã có xu hướng tăng trở lại. Đó là minh chứng cho sự đánh đổi giữa tỷ giá và lãi suất. Song hiện nay sự đánh đổi đó sẽ không trả giá quá đắt nhờ Fed giảm lãi suất, chênh lệch lãi suất USD và VNĐ thấp hơn, chúng ta vẫn có dư địa để duy trì được chính sách lãi suất thấp, tiếp tục nới lỏng.
Mặt khác, năm nay NHNN cũng đã sử dụng khoảng 6 tỷ USD nhưng mới mua lại khoảng 100 - 200 triệu USD. Do vậy, Fed giảm lãi suất sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam, vì khi có hiện tượng thừa USD trong nền kinh tế NHNN sẽ bắt đầu mua vào để tăng dự trữ ngoại hối. Việc mua vào USD và bơm VNĐ ra thông qua hoạt động này, cũng sẽ góp phần thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tôi nghĩ giai đoạn này thực hiện các động thái như vậy là hợp lý. Bởi lẽ tỷ giá USD/VNĐ cũng sẽ duy trì ở mức hiện tại thay vì giảm sâu hơn nữa, và chúng ta cũng không mong chờ tỷ giá giảm thêm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn yếu tố mùa vụ, nên trong khoảng 3 tháng cuối năm 2024, tỷ giá sẽ tăng thêm khoảng 1% so với thời điểm hiện tại.
- Vậy lãi suất điều hành thời gian tới có giảm thêm?
- Tại Việt Nam, việc giảm hay tăng lãi suất điều hành chỉ có tính chất định hướng, tác động đến tâm lý chứ không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường. Bởi lãi suất điều hành tác động chủ yếu đến nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), các NH nhỏ cũng không tiếp cận được nhiều các khoản vay tái cấp vốn, tái chiết khấu.
Lãi suất điều hành chỉ có tác động vào lãi suất OMO, đấu thầu tín phiếu. Nên hiện tại NHNN chỉ cần can thiệp vào thị trường liên NH (thị trường 2). Khi lãi suất USD có thể giảm trên thị trường 2, NHNN có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất VNĐ.
- Thưa ông, nếu NHNN có dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, vậy nền kinh tế có thể hấp thu được hết các lợi ích hay không?
- Fed giảm lãi suất chỉ tạo dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, không phải tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Nói như vậy vì DN và người dân còn khó khăn, nên chưa chắc bơm tiền ra kinh tế sẽ tăng trưởng.
Chính sách tiền tệ chỉ tác động phía cung, nên muốn tăng trưởng cần tập trung vào những giải pháp phía cầu, như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tạo đơn hàng cho DN, giảm thuế đặc biệt và thuế thu nhập cá nhân. Tức phải tập trung vào chính sách tài khóa hơn chính sách tiền tệ mới có tác dụng.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào xuất khẩu để đón đầu sự phục hồi của kinh tế thế giới. Đây sẽ là hai động lực chính để thúc đẩy tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ở đây tôi cũng chia sẻ quan điểm không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, nhưng có thể chỉ cần đạt mức 11 - 12% mà đảm bảo dòng vốn đó chạy vào sản xuất kinh doanh sẽ mang tính ổn định cho nền kinh tế hơn.
Bởi trước đây, lĩnh vực bất động sản sôi động hút nhiều vốn, khi đó để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, tăng trưởng tín dụng phải vào khoảng 14 - 15%. Còn thời kỳ này, thị trường bất động sản tương đối trầm lắng hơn và vốn chủ yếu chạy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh có đặc điểm không quá thâm dụng vốn như bất động sản, hiểu cách khác là không cần quá nhiều vốn để tạo ra tăng trưởng.
Chính vì vậy, sắp tới các giải pháp nên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cụ thể là tập trung cho lĩnh vực xuất khẩu. Nên có những chính sách ưu đãi về lãi suất cho nhóm này. Vì thời gian vừa qua, các DN xuất khẩu có sự tăng trưởng và phục hồi tốt, đóng vai trò đầu tàu để dẫn dắt sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế, đồng thời còn mang lại nguồn ngoại tệ cho quốc gia.
Việc mang lại ngoại tệ sẽ giúp cho việc ổn định tỷ giá tốt hơn và có nhiều dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Đây là một tin tốt đối với kinh tế Việt Nam. Cũng tương tự các nước, Việt Nam sẽ có nhiều dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho DN và người dân. Cụ thể, chúng ta sẽ giảm áp lực về tỷ giá và có dư địa để duy trì lãi suất thấp.
Nguồn: Báo SGGP