Gần 350 nghìn tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp BĐS

07:01 14/05/2024
Trong giai đoạn 2015 - 2023 có 330 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 726 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Theo đó, trong giai đoạn 2015 - 2023 có 330 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 726 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,6% năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,1%/năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp BĐS đến tháng 3/2024 là gần 350 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2015-2023, có 4 doanh nghiệp BĐS đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,1 tỷ USD.

Theo Bộ Tài chính, để doanh nghiệp BĐS có thể hấp thụ các nguồn vốn mới, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để.

Ảnh minh họa: Internet.

Ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư BĐS; quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa BĐS hay kênh khác: Đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài...

Đồng thời, các cơ quan chức năng bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, cần có những chính sách bảo vệ các doanh nghiệp BĐS làm ăn chân chính.

Bộ Tài chính kiến nghị, tiếp tục tổng hợp các vướng mắc trong áp dụng chính sách pháp luật liên quan gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, có giải pháp để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp BĐS, đảm bảo năng lực tài chính phù hợp với việc triển khai các dự án được cấp phép để giảm thiểu rủi ro cho lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Mặt khác, cần nghiên cứu bổ sung các quy định khi thành lập doanh nghiệp BĐS hoặc cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án BĐS đảm bảo các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Ngoài ra, tăng cường quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, minh bạch; giám sát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, cấp phép mở bán các dự án, hoạt động giao dịch của các sàn giao dịch BĐS...

Bình luận