Gấp rút sửa đổi Luật Quy hoạch, tập trung vào ba vấn đề lớn trước mắt

06:53 29/05/2025
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh lý do cần thiết phải gấp rút sửa đổi Luật Quy hoạch, tập trung vào ba vấn đề lớn trước mắt, trong khi các vấn đề khác sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Gấp rút sửa đổi Luật Quy hoạch, tập trung vào ba vấn đề lớn trước mắt
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Tại lần sửa đổi này, dự thảo Luật tập trung vào ba vấn đề cấp thiết cần xử lý ngay trong thời gian tới.

Một là, bổ sung quy định chuyển tiếp về điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm điều chỉnh được ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp sau khi việc sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực.

Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Ba là, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn có thể xử lý được ngay.

Nghiên cứu cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch

Nhấn mạnh quy hoạch có vai trò hết sức đặc biệt trong việc điều phối nguồn lực và kiến tạo không gian phát triển, thảo luận tại Hội trường sáng 28/5, các đại biểu Quốc hội nhận định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc sáp nhập tổ chức bộ máy, điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính, giải quyết những bất cập, điểm nghẽn trong thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Từ kinh nghiệm đã trực tiếp làm tư vấn quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, cần quy định rõ là “phải lập đồng thời” và “quy hoạch nào xong trước được phê duyệt trước”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu thực hiện đồng thời tất cả các quy hoạch thì quy hoạch cấp trên sẽ đưa định hướng, sau đó quy hoạch cấp dưới sẽ chi tiết cụ thể hóa, nếu như chi tiết cụ thể hóa chỗ nào không phù hợp sẽ phản hồi lên cấp trên, khi cấp trên điều chỉnh xong sẽ ấn định để cấp dưới triển khai chi tiết và phê duyệt.

“Chính cách làm này sẽ đạt được nhiều mục tiêu, khi các phương án quy hoạch được làm đồng thời sẽ bảo đảm tính khớp nối, kết nối giữa các phương án quy hoạch, từ quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp dưới, giữa quy hoạch ngang với quy hoạch ngành, bảo đảm trùng khớp, không bị mâu thuẫn", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đánh giá cao điểm mới tích cực của dự thảo Luật, đó là cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch, làm rõ vai trò của quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính.

Để bảo đảm tính khả thi và phát huy hiệu quả khi triển khai, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp cũng như mối quan hệ cụ thể giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

“Cơ quan soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đến quy trình xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ là người quyết định trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch ngành quốc gia, nhưng cần bổ sung quy trình rõ ràng, minh bạch với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và Hội đồng chuyên gia độc lập”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Quy định vai trò của cấp xã trong công tác quy hoạch

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Đài PTTH Hà Nội

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung mới vào dự thảo Luật nhằm thể hiện vai trò của cấp xã trong công tác quy hoạch.

Theo đó, đại biểu đề nghị quy định rõ chính quyền cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch, có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

Đại biểu cho rằng, việc quy định như trên là cần thiết trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính liền mạch và thực tiễn trong tổ chức thực thi pháp luật.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung vào khoản 4, Điều 16 dự án Luật quy định về quy trình lập quy hoạch tỉnh, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã, cũng như yêu cầu UBND cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian giao thương, hạ tầng sản xuất của địa phương mình.

Đại biểu cũng cho rằng, cấp xã tuy không có quyền quyết định quy hoạch, nhưng lại là nơi trực tiếp quản lý hiện trạng sử dụng đất và dân cư. Nếu không có cơ chế ràng buộc vai trò của cấp xã thì việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ thiếu lực lượng.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn, theo dõi tình hình sử dụng đất, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt, định kỳ báo cáo cho cơ quan cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tổ chức tuyên truyền quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn, tiếp nhận kiến nghị từ người dân và phản ánh lên cơ quan cấp tỉnh.

Đảm tính kết nối, trùng khớp, không bị mâu thuẫn giữa các quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh lý do cần thiết phải gấp rút sửa đổi Luật Quy hoạch, tập trung vào ba vấn đề lớn trước mắt.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, sửa Luật Quy hoạch để bảo đảm điều chỉnh ngay được các quy hoạch ở tất cả các cấp. Sau khi Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực, các địa phương sẽ phải ngay lập tức điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời, luật cũng phải đảm bảo nguyên tắc, các quy hoạch đang được triển khai vẫn tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực. Điều này nhằm tránh gián đoạn trong quản lý và đầu tư.

Cùng với đó, việc sửa luật lần này tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm cho các cấp, các ngành.  

Một số đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi của việc phân cấp. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu cứ theo quy trình cũ, trình Chính phủ rồi chờ Quốc hội phê duyệt, địa phương sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, cần quyết liệt đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, phương chịu trách nhiệm".

Về quy định lập đồng thời các quy hoạch và giải quyết mâu thuẫn giữa các quy hoạch, Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật đã giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua, đó là, giải quyết xung đột giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành với quy hoạch cấp trên.

“Khi tiến hành sửa toàn diện, cần mạnh dạn rà soát, giữ những gì cần thiết, bỏ những gì không còn phù hợp. Một trong những vấn đề nổi cộm là các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Với đề xuất tạm dừng Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định là "không được, vì không kiểm soát được mình dừng thì lại không ổn... Một đất nước thì phải có luật và phải có quy hoạch. Nếu bây giờ chúng ta dừng Luật Quy hoạch thì Chính phủ có điều hành được không, các địa phương có triển khai được không"?

Bình luận