Giá giao dịch bất động sản quý I/2022 tăng đều mọi phân khúc
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản, trong quý I/2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá bán ở một số loại hình bất động sản tại 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, giá bất động sản tại các địa phương này đang theo chiều hướng tăng đều. Đặc biệt, giá giao dịch trong tháng 3 tăng khá cao so với tháng 2.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%.
Bên cạnh đó, giá bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 3 cũng tăng nhẹ so với tháng 2. Riêng căn hộ chung cư cho thuê tại TP. Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.
Tại báo cáo của Batdongsan.com.vn, giá bất động sản trong quý I/2022 cũng đang tăng liên tục tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Riêng Hà Nội, giá căn hộ bán và cho thuê tăng trung bình 5 - 8% theo quý, còn trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ tăng 9 - 12% so với cùng kỳ 2021. Phân khúc đất nền, đất thổ cư tại Hà Nội có biến động giá tăng trung bình từ 20 - 25% so với cùng kỳ, nhiều khu vực phía Tây Hà Nội xuất hiện tình trạng tăng giá nóng, lên gần 35 - 74%.
Ở TP.HCM, mặt bằng giá bán căn hộ tăng 3 - 4% so với quý trước và gần 10% so với cùng kỳ, giá thuê cũng tăng từ 4 - 7%. Loại hình đất nền, đất thổ cư rao bán tại đây giá cũng tăng từ 10 - 25%.
Có thể thấy, mặc dù Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu ảnh hưởng không nhỏ từ bối cảnh quốc tế khiến nguy cơ lạm phát tăng cao, song thị trường bất động sản vẫn đang ghi nhận tăng giá ở mọi phân khúc.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá bất động sản trong bối cảnh hiện tại là vì các nhà đầu tư tin vào khả năng giữ tiền của bất động sản và coi đây là một kênh bảo vệ tài sản tốt. Tuy nhiên, thực chất thị trường bất động sản hiện nay mua vào thì dễ nhưng bán ra rất khó. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền ở thời điểm hiện tại.
Thanh khoản thấp, nhà đầu tư khó ra hàng
Giá bất động sản đang không ngừng tăng lên ở các địa phương, song điều đáng nói, trong quý I/2022 cả thị trường chỉ ghi nhận 1.247 căn hộ được tiêu thụ, giảm 78% so với quý trước và 53% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là minh chứng rõ nhất cho thanh khoản thấp của thị trường bất động sản hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận, mặc dù giá bất động sản tăng lên, nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai khía cạnh.
Thứ nhất, khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3 - 5 lần trong thời gian qua và luôn giữ giá ở mức cao, khó thanh khoản.
Thứ hai, sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư đang có xu hướng từ miền Bắc vào miền Trung. Cùng với đó, tình hình lạm phát biến động trượt giá khiến giá bất động sản tiếp tục tăng lên, tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, do bất động sản là kênh giữ tiền an toàn và được nhiều nhà đầu tư tín nhiệm nên có cơ sở để giá tăng cao. Chưa kể, nguồn cung trên thị trường vẫn đang hạn chế, trong khi nhu cầu ở thực rất lớn, khiến chênh lệch cung và cầu từ đó làm tăng giá bất động sản. Tuy nhiên, việc tăng giá bất động sản không có nghĩa là đầu tư vào bất động sản sẽ dễ kiếm lời. Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư ôm hàng thì dễ nhưng khó ra hàng.
“Tỷ lệ ra hàng thành công của nhà đầu tư bất động sản trong những tháng đầu năm 2022 là rất hạn chế. Không phải không có nguồn hàng để ra mà vì không có khách hàng mua. Nhu cầu người mua thực vẫn còn nhưng giá bất động sản đang chênh lệch với mức thu nhập của người dân quá lớn khiến nhu cầu còn đó nhưng không có khả năng thực hiện.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản bị thanh tra, tuýt còi khiến tâm lý thị trường có phần chững lại. Khách hàng cũng sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm và các chủ đầu tư uy tín, tên tuổi để đảm bảo giá trị tài sản”, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết thêm.
Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM cũng chỉ ra rằng, giá bất động sản tăng cao cũng không hẳn là một tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản khi hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững. Bởi việc tăng nóng giá bán sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trượt xa so với khả năng sở hữu của người dân, khiến bài toán nhà ở cho người dân, đặc biệt cho người có thu nhập thấp không được giải quyết.
Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, từ khách hàng cho đến nhà đầu tư nên tính toán thận trọng trước khi bỏ tiền vào bất cứ sản phẩm bất động sản nào. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần xem xét tính pháp lý của dự án, khả năng tăng giá trong thời gian vừa qua, đặc biệt không nên tin vào các thông tin quy hoạch mập mờ, không rõ ràng và thiếu chính thống.
Nguồn: Reatimes.vn