Giá cát xây dựng tại Đà Nẵng tăng vọt

15:27 23/05/2025
Giá cát xây dựng tại Đà Nẵng tăng vọt chỉ trong vài tuần, dao động từ 600 - 700 ngàn đồng/m3 khiến nguồn cung bị "đứt mạch", hàng loạt công trình thi công cầm chừng, doanh nghiệp bê tông đồng loạt ngừng cung ứng.
Giá cát xây dựng tại Đà Nẵng tăng vọt
Giá cát tăng “phi mã” tại Đà Nẵng

Giá cát tăng “phi mã”

Trong hơn ba tuần qua, thị trường xây dựng tại Đà Nẵng biến động mạnh khi giá cát xây dựng tăng phi mã, mức giá hiện dao động từ 600.000 đến gần 700.000 đồng/m³, cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Nguyễn Minh Huy - Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp TP Đà Nẵng cho biết: Đây là đợt tăng giá mạnh và đột ngột chưa từng có trong nhiều năm qua. Tình trạng thiếu cát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt dự án trọng điểm của Thành phố như thi công cầu, kè, đường, đặc biệt là những dự án sử dụng vốn ngân sách đang trong giai đoạn nước rút giải ngân. Do đó, BQLDA đã có kiến nghị UBND Thành phố sớm vào cuộc để hạ nhiệt giá cát, tránh để khủng hoảng vật liệu lan rộng.

Không riêng nhà thầu xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất bê tông thương phẩm cũng lâm vào cảnh lao đao. Hàng loạt công ty lớn như Việt Hàn (chi nhánh Quảng Nam), Phước Yên, Vinaconex 25… đã gửi văn bản thông báo tạm ngừng cung cấp bê tông ra thị trường với lý do "thiếu nguyên liệu trộn", trong đó cát là thành phần then chốt.

Giá cát hiện dao động từ 600.000 đến gần 700.000 đồng/m³.

Tại Trạm bê tông Sông Hàn, một trong những đơn vị đầu mối lớn nhất thành phố, tình trạng không khá hơn. Đơn vị này buộc phải ngưng nhận thêm đơn hàng mới, chỉ ưu tiên khách hàng truyền thống, đồng thời điều chỉnh giá bán bê tông tăng từ 20% đến 30% nhằm bù đắp chi phí vật liệu.

Để ứng phó trước cơn "bão giá" cát, ngày 22/5, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã phát văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng cập nhật định kỳ bảng giá, chất lượng sản phẩm và lý do điều chỉnh giá. Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất bê tông, hạn chót để nộp hồ sơ điều chỉnh giá là ngày 28/5.

Giải pháp “tạm thời” để cứu cánh

Hiện nay, TP Đà Nẵng không có mỏ cát, nguồn cát chủ yếu phụ thuộc vào tỉnh Quảng Nam. Trước đây, tại các vùng lân cận như: huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có rất nhiều mỏ cát lớn trên sông Vu Gia, Thu Bồn. Tuy nhiên, đến nay, đa số các mỏ các đã hết giấy phép, chỉ còn 2 mỏ còn giấy phép. Trong đó, 1 mỏ đang tạm dừng hoạt động và mỏ còn lại sắp hết hạn.

Tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam), mỏ Pha Lê với sản lượng khai thác 23.000 m³/năm đã ngừng hoạt động từ đầu tháng 5/2025. Các bến bãi chứa cát dọc sông Vu Gia cũng chỉ còn vài trăm khối đang được ưu tiên giao cho đối tác truyền thống. Một mỏ cát khác tại sông Thu Bồn đến đầu tháng 6 này sẽ hết hạn. Số lượng cát đang được khai thác chỉ đáp ứng đủ cho các đối tác truyền thống.

Giá cát tăng vọt, nhiều công trình trọng điểm ở Đà Nẵng nguy cơ chậm tiến độ.

Để giải quyết tình thế, UBND huyện Đại Lộc vừa ban hành hồ sơ mời tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 6 điểm mỏ, trong đó có ba mỏ cát lớn: ĐL2 (xã Đại Thắng, 790.000 m³), ĐL11 (xã Đại Đồng, 360.000 m³) và các mỏ ĐL12B1, ĐL12B2 tại xã Đại Quang (tổng trữ lượng hơn 166.000 m³). Tuy nhiên, từ đấu giá đến khi mỏ hoạt động thực tế phải mất rất nhiều thời gian.

Với thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có yêu cầu các sở ngành tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư cho các dự án khai thác khoáng sản. Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, các dự án mới phải xác định rõ công suất và thời hạn khai thác trong quyết định đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và lâu dài.

Cơn khủng hoảng cát lần này không đơn thuần là câu chuyện tăng giá theo chu kỳ mà phản ánh sự đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng vốn chưa được đầu tư đúng mức. 

Với nhu cầu xây dựng ngày càng cao, đặc biệt trong các đô thị lớn như Đà Nẵng, việc thiếu hụt một nguyên liệu cơ bản như cát có thể kéo theo chuỗi phản ứng dây chuyền: chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư, rủi ro phá vỡ kế hoạch đầu tư công, và cuối cùng là mất niềm tin vào thị trường.

Đà Nẵng cũng nên cần sớm xây dựng bản đồ cung, cầu vật liệu xây dựng, chủ động quy hoạch kho bãi dự trữ và thiết lập cơ chế phản ứng nhanh khi khủng hoảng xảy ra sẽ là điều cần thiết cho những cơn sóng giá tương lai.

 

Bình luận