Giá cước container quốc tế năm 2025 dự báo tiếp tục có biến động

14:32 16/11/2024
Dù khó có khả năng tăng mạnh trong năm 2025, nhưng giá cước container vẫn có thể tăng trong một số thời điểm nhất định, đặc biệt trong mùa cao điểm hoặc khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Giá cước container quốc tế năm 2025 được dự báo tiếp tục có biến động. Mặc dù khó có khả năng tăng mạnh nhưng giá cước vẫn có thể tăng trong một số thời điểm nhất định.

Nhận định được đại diện Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) đưa ra tại Diễn đàn Logistics TP.HCM lần thứ 3, diễn ra chiều 15/11.

Theo bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, giá cước container thế giới cũng như tuyến TP.HCM đi Bờ Tây Hoa Kỳ hay châu Âu trong năm qua đều biến động rất lớn.

Cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Dù khó có khả năng tăng mạnh trong năm 2025, nhưng giá cước container vẫn có thể tăng trong một số thời điểm nhất định, đặc biệt trong mùa cao điểm hoặc khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng tàu có thể giúp kiềm chế đà tăng giá cước.

Bà Võ Thị Phương Lan phân tích nhiều yếu tố có thể tác động đến thị trường thời gian tới. Cụ thể, công suất vận tải toàn cầu dự báo tăng 8%, trong khi nhu cầu chỉ tăng 3%, giúp giảm áp lực biến động tăng giá.

Trong khi đó, những yếu tố như xung đột Biển Đỏ, tắc nghẽn kênh đào Panama, đình công ở một số cảng biển… sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển.

(Ảnh: TTXVN)

"Sự xuất hiện của liên minh vận tải biển mới (Gemini Cooperation) và chiến lược hợp tác của hãng tàu MSC sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong mạng lưới dịch vụ vận tải biển,” bà Lan phân tích, đồng thời cho rằng chính sách áp thuế của Hoa Kỳ lên hàng hóa Trung Quốc và xu hướng đa dạng hóa nguồn cung sẽ tác động đến mô hình thương mại toàn cầu, mang đến cả cơ hội và thách thức cho thị trường vận tải container.

Trước những biến động khó lường của cước vận tải quốc tế, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức chuyên sâu về xây dựng quan hệ đối tác bền vững với các hãng tàu, tối ưu hóa chi phí vận chuyển và áp dụng công cụ phòng ngừa rủi ro biến động giá cước hiệu quả.

Để ứng phó, bà Võ Thị Phương Lan khuyến nghị doanh nghiệp theo dõi sát thị trường và linh hoạt chiến lược vận chuyển. Tối ưu hóa chi phí bằng cách chuyển đổi số để giảm chi phí trong quản trị chuỗi cung ứng và giúp khách hàng tính giá chuỗi cung ứng nhanh chóng. Doanh nghiệp cũng chú trọng hợp tác với đối tác logistics uy tín, đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu và tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về đối tác logistics quốc tế.

Liên quan việc vận chuyển của các sàn thương mại điện tử, ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc Đối ngoại Shopee Việt Nam cho biết, sàn xem logistics là trụ cột, với mục tiêu vừa giảm chi phí vận chuyển vừa tăng trải nghiệm cho khách hàng; trong đó, cùng đối tác xây dựng các gói cung cấp (giao hàng) để đa dạng sự lựa chọn cho khách.

Shopee tìm hiểu các điểm mạnh của nhà cung cấp dịch vụ logistics để có lựa chọn hợp tác tốt, vì có nhà cung cấp mạnh ở vùng sâu, nhà cung cấp lại mạnh về giao các sản phẩm nhỏ gọn.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và nhất là TP.HCM, hạ tầng logistics đóng vai trò then chốt trong kết nối và vận hành hiệu quả chuỗi cung ứng.

Việc nâng cấp và tối ưu hóa hệ thống hạ tầng logistics đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các vấn đề về chi phí đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tân Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tân cảng Hiệp Phước nhìn nhận, thời gian qua Việt Nam cũng như TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhiều công trình, dự án hạ tầng đã và đang được triển khai giúp lĩnh vực này phát triển mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, nhiều điểm nghẽn giao thông vẫn chưa được gỡ bỏ gây khó khăn trong phát triển logistics của thành phố.

Hiện tại, kết nối trong nội bộ TP.HCM có thể là tốt nhưng kết nối liên vùng với Bình Dương, Long An, Đồng Nai còn khó khăn.

Thành phố cần đẩy nhanh dự án hạ tầng giao thông đường bộ, tiến độ triển khai đầu tư các Trung tâm logistics đã được quy hoạch trên; đồng thời phát triển đồng bộ hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng giao thông và hạ tầng số… để phát triển ngành logistics.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại có khoảng 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% doanh nghiệp logistics cả nước.

Thành phố có Tân cảng Cát Lái và Tân cảng Hiệp Phước chiếm hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu của thành phố, gần 50% lượng hàng cả nước, đóng góp 20,5% cho ngân sách thành phố. Thành phố đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Võ Văn Hoan cho biết bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, Thành phố đã nhận thấy đây là ngành mới, tổng hợp từ nhiều ngành, lĩnh vực nên còn nhiều hạn chế trong sự phát triển ngành logistics như vấn đề hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực.

Thành phố muốn lắng nghe ý kiến từ các bên, qua đó giúp Thành phố triển khai giải pháp, tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ phát triển ngành logistics, phát huy được tiềm năng và thế mạnh.

Nguồn: Vietnam+

Bình luận