Chủ tịch Fed trong phiên điều trần với Quốc hội đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc chống lại lạm phát và lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Giá năng lượng tăng vọt vốn là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát lại đang cho thấy tín hiệu giảm trong các phiên giao dịch gần đây. Điều này khiến cho tâm lý các nhà đầu tư càng tin vào kịch bản rằng nền kinh tế đang tiến vào thời kỳ suy thoái, do đó, tạo ảnh hưởng dây chuyền tác động tới giá các mặt hàng khác, trong đó có kim loại đồng, vốn là thước đo sức khoẻ nền kinh tế và là đầu vào quan trọng cho sản xuất.
Tại Trung Quốc, mới đây, chủ tịch Tập Cận Bình trong một bài phát biểu quan trọng tại một diễn đàn kinh doanh cam kết sẽ "tăng cường điều chỉnh chính sách vĩ mô và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng”. Thủ tường Lý Khắc Cường cũng đã công bố một loạt các biện pháp, bao gồm có thể mở rộng miễn thuế đối với việc mua xe năng lượng mới và thúc đẩy thị trường xe hơi đã qua sử dụng. Tuy nhiên, những cam kết chưa đi kèm với hành động này dường như là không đủ để cải thiện tâm lý thận trọng trong chi tiêu của người dân vốn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài. Do đó, nền sản xuất nước này ít nhận được động lực thực sự cho việc phục hồi.
Tại thị trường tiêu thụ đồng lớn thứ 2 trên thế giới cũng đang cho thấy sự khó khăn trong hoạt động sản xuất. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Nhật Bản tháng này đã giảm xuống mức 52.7 từ 53.3 điểm vào tháng trước, đánh dấu mức tăng chậm nhất từ hồi tháng 2. Tăng trưởng hoạt động nhà máy của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng Sáu do các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhu cầu sản xuất. Tổng số đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong vòng 9 tháng do gián đoạn chuỗi cung ứng. Vai trò đầu vào sản xuất của đồng cho các hoạt động kinh tế của quốc gia này do vậy cũng gặp áp lực lớn.