Mới đây, chỉ số khảo sát niềm tin tiêu dùng tháng 4 của Mỹ giảm mạnh về 101,3 điểm; là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022, đồng thời thấp hơn so với mức dự báo làm lu mờ doanh số bán nhà tăng trưởng của tháng 3. Điều nầy cho thấy, cho thấy lo ngại suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc.
Còn tại Trung Quốc, nhà tiêu thụ đồng và quặng sắt lớn nhất thế giới, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ khiến cho quốc gia này khó thu hút dòng vốn nước ngoài vào đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Triển vọng tiêu thụ không tăng trưởng trong khi nguồn cung quặng sắt và nguồn cung đồng đều ổn định khiến cho sức ép bán liên tục được gia tăng. Tồn kho đồng trên Sở COMEX và Sở Thượng Hải tăng lên lần lượt 27.249 tấn và 60.775 tấn. Với thị trường quặng sắt, sản lượng của ba công ty khai thác lớn nhất thế giới là BHP, Rio Tinto (Úc) và Vale (Brazil) đều dự kiến sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngoài ra, thêm yếu tố vĩ mô bất lợi đó là thị trường vẫn đang dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 tới. Lo ngại lãi suất cao vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư khiến giá mặt hàng kim loại cơ bản đang phải chịu sức ép, đặc biệt là giá đồng.
Được biết, trên Sở Giao dịch Kim loại Luân Đôn LME, Niken giảm đến hơn 5%, thiếc giảm gần 4%. Còn trên Sở COMEX, giá đồng giảm tới 2,68% xuống mức 8.483 điểm. Như vậy, mặt hàng này đã đóng cửa trong sắc đỏ ngày thứ 5 liên tiếp, về mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023. Tương tự, giá quặng sắt Singapore cũng đã giảm 1,41% về 102,44 USD/tấn, và là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.
Trên thị trường nội địa, trong bối cảnh tiêu thụ sắt thép thế giới vẫn còn yếu và giá sắt thép tiếp tục giảm, vừa bước sang đầu quý II, giá thép trong nước cũng đã được điều chỉnh giảm 3 lần liên tiếp; nâng tổng số 3 lần giảm lên tới hơn 2 triệu đồng/ tấn tùy thương hiệu.