Theo quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp (KCN), hiện Việt Nam có khoảng 563 KCN với tổng diện tích khoảng 210 nghìn ha.
Đáng chú ý, số lượng KCN thực tế đã công bố là 406, trong đó 361 dự án nằm ngoài khu kinh tế, và 37 dự án thuộc khu kinh tế và 08 dự án nằm trong khu kinh tế cửa khẩu.
Savills Việt Nam nhìn nhận, bất động sản (BĐS) công nghiệp được đánh giá là điểm sáng đối với thị trường khi thu hút được lượng đầu tư nước ngoài lớn, đi kèm với tiềm năng và sức hấp thụ tốt.
Chia sẻ về xu hướng và triển vọng của thị trường BĐS công nghiệp, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, dịch vụ tư vấn công nghiệp (Savills Hà Nội) cho rằng, chỉ số rủi ro về kinh tế của Việt Nam hiện thấp hơn các thị trường mới nổi khác như: Lào, Myanmar...
Mặt khác, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, lợi thế về nguồn cung lao động và cơ hội xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, mặc dù các yếu tố bất lợi về địa chính trị trên thế giới, kinh tế nội địa được kỳ vọng tiếp tục giữ ổn định nhờ sức tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường BĐS vẫn tồn tại một số thách thức về cơ sở hạ tầng, khách thuê và về lao động có tay nghề.
Đối với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu vực phía Nam đang rất cần được cải thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường bộ. Vào đầu tháng 01/2023, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam đã được khởi công đồng loạt.
Cụ thể, dự án có tổng chiều dài 729 km, đi qua 15 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 147 nghìn tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển quan trọng, kết nối các tỉnh và mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Trong tương quan với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước đã chi khá lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, với khoảng 5,8% tổng GDP, tuy nhiên các dự án về đường cao tốc, cảng nước sâu và cảng dịch vụ cần được cải thiện thêm.
Bên cạnh đó, theo Quản lý cấp cao, dịch vụ tư vấn công nghiệp (Savills Hà Nội) cũng cho rằng, Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao.
Do đó, khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Chính phủ cần đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực.
“Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, nhưng đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều” - Quản lý cấp cao, dịch vụ dư vấn công nghiệp (Savills Hà Nội) nhìn nhận.
Do đó, để cải thiện chất lượng lao động, Việt Nam cần tập trung vào áp dụng khoa học - công nghệ và cải thiện nguồn nhân lực chất lượng để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Ông Thomas Rooney đánh giá, Chính phủ Việt Nam cũng đang cho thấy nhiều nỗ lực trong cải cách hệ thống giáo dục nhằm nâng cao tay nghề lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cải thiện cơ sở hạ tầng cũng là một yêu cầu bắt buộc để thu hút đầu tư với hệ thống giao thông tiện lợi hơn.