Theo Bộ Xây dựng, từ tháng 12/2021 và tuần đầu tháng 1/2022, thép xây dựng giữ giá ổn định và có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, từ nửa đầu tháng 1/2022, thị trường thép xây dựng lại bắt đầu có chiều hướng gia tăng trở lại và cao điểm rơi vào khoảng tháng 3/2022 với mức giá dao động khoảng 19 - 20 triệu đồng/tấn, tăng 12% so với cuối quý IV/2021, tăng trên 50% so với đầu tháng 12/2020.
Từ 16/5/2022 đến nay, giá thép trong nước có chiều hướng giảm, đã giảm 3 - 4 đợt tùy từng hãng và khu vực, trong đó đợt giảm gần đây nhất vào ngày 1/6/2022.
Hiện nay, giá thép xây dựng ở mức bình quân từ 17.000 - 18.200 đồng/kg, tăng khoảng 9 - 10% so với cuối quý IV/2021 và tăng khoảng 40 - 45% so với đầu tháng 12/2020.
Bộ Xây dựng xác định nguyên nhân dẫn đến biến động giá thép do giá thép trong nước giảm mạnh dưới tác động từ thị trường thép thế giới, trong đó giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới giảm liên tục từ tháng 4 đến nay.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến cung cầu trên thị trường như: chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc làm sụt giảm nhu cầu thép tại thị trường Trung Quốc; nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ lạm phát cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thép; hàng tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy cao khoảng 900.000 tấn gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái nên lượng hàng xuất xưởng của các nhà máy giảm nhiều so với bình thường.
Giá thép giảm còn do ảnh hưởng của thị trường trong nước trong tháng 4 vừa qua, việc triển khai các dự án có xu hướng chậm lại do giá VLXD tăng cao.
Bên cạnh đó, đối với xi măng, từ cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022, giá xi măng cũng đã có xu hướng tăng nhẹ 4 - 6% do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt nguồn cung than đá khan hiếm, giá than tăng, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng.
Từ tháng 3/2022 đến nay cơ bản giữ ổn định với mức giá khoảng 1.200 - 2.900 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 18% so với quý IV/2020.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn có sự chênh lệch giá theo khu vực. Giá xi măng ở miền Nam đang ở mức tương đối cao do đây là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng với công suất đạt 11,9 triệu tấn, trong khi nhu cầu xi măng tăng lên đến 23,61 triệu tấn.
Đối với nhựa đường là loại mặt hàng nhập khẩu, có độ nhạy cao với biến động xăng dầu, biến động của dầu thô trên thế giới và tỷ giá ngoại tệ trên đồng Việt Nam. Đặc biệt, từ đầu thời điểm quý IV/2021 đến nay, giá xăng dầu trên thế giới có biến động tăng mạnh nên tác động đáng kể đến giá nhựa đường nhập khẩu trong nước.
Trong đó, 2 tháng đầu năm 2022, mức biến động tăng bình quân giá nhựa đường trên thị trường tăng từ 1,5 - 2,5% so với quý IV/2021, nhưng so với quý I/2021 đã tăng đến 7 - 12%.
Tháng 3 - 4/2022, giá nhựa đường trung bình khoảng 14,4 triệu đồng/tấn, tăng 7% so với quý IV/2021 và 9% so với quý IV/2020.
Trong tháng 5/2022, giá nhựa đường các loại tăng từ 800 - 1.000 đồng/kg so với tháng 4/2022 hiện có giá trung bình khoảng 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 30% so với quý IV/2020. Đây là thời điểm nhựa đường có giá cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Nhựa đường chiếm giá trị khá lớn trong các công trình giao thông, với mức biến động tăng này và dự báo tiếp tục tăng theo mức tăng giá xăng dầu thế giới trong năm 2022 sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dự toán xây dựng loại hình công trình này.
Dự báo trong các tháng tiếp theo của năm 2022, thị trường VLXD vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến biến động giá VLXD đặc biệt là một số loại VLXD chủ yếu, do đó sẽ ảnh hưởng đến dự toán xây dựng công trình và giá thành sản phẩm xây dựng.