Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cũng giống như nhiều ngành nghề kinh doanh khác, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đã gặp không ít khó khăn để tồn tại và phát triển. Một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp này đang phải đối diện đó chính là giá các vật liệu xây dựng vẫn đang trên đà tăng mạnh. Điển hình là xi măng đã có tới 03 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022, sau khi giá than đá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, do nguồn cung thắt chặt.
Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021. Các vật liệu xây dựng khác như gạch, đá cũng biến động tăng lên so với năm trước.
Trái ngược với phần lớn các loại vật liệu xây dựng thì giá vật liệu sắt thép lại được cho là có diễn biến tích cực nhất khi giá của loại vật liệu này liên tục được điều chỉnh giảm. So với mức giá tăng vọt hồi đầu năm khiến cho hàng loạt các nhà thầu thi công phải trì hoãn các dự án và “gồng mình” vì chi phí, giá thép hạ nhiệt sẽ mang lại cơ hội đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2022 - 2023 có tổng quy mô lên tới 347.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP năm 2021. Trong đó có tới 16 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tính đến cuối năm nay. Trong bối cảnh giá sắt thép bắt đầu hạ nhiệt, sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động đầu tư xây dựng sau khoảng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đang có những bước tiến rõ rệt và hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ngành thép Việt Nam cũng đã gặt hái được thành tựu to lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu thép vào năm 2021 và xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại năm 2021 của Việt Nam tăng gần 25% so với năm 2020, tương ứng với mức tăng khoảng hơn 3,2 triệu tấn. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 6/2022, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đạt khoảng 4,4 triệu tấn, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do những ảnh hưởng của dịch bệnh hồi đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu sắt thép đã tăng khoảng hơn 11%.
Tuy nhiên, do nhu cầu suy yếu trên thế giới sẽ khiến xuất khẩu sắt thép gặp nhiều áp lực, và điều này đòi hỏi chất lượng thép trong nước phải được chú trọng nâng cao hơn nữa. Để làm được điều này, việc đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất cần phải được thúc đẩy, đó cũng sẽ là chìa khóa giải quyết cho bài toán tự chủ nguồn nguyên liệu thô và mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.