Thị trường

Giá thép trong nước tiếp tục giảm sâu

Giá thép trong nước tiếp tục giảm sâu

BTV BTV - 12:09, 25/08/2022

Kể từ 11/5 đến nay, đây là phiên thứ 15 giá thép trong nước được điều chỉnh giảm liên tiếp. Tuy nhiên, trong lần này, giá thép giảm sâu nhất lên tới gần 1 triệu đồng/ tấn, nâng tổng số giảm lên tới gần 6 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và vùng miền.

Được biết, lần điều chỉnh này loại thép Pomina là thương hiệu có mức giảm mạnh nhất, hơn 800.000 đồng/tấn. Trong đó, tại miền Trung giảm từ 100.000-810.000 đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300 về mức tương ứng 14,88 triệu đồng/tấn và 15,58 triệu đồng/tấn.

Thép miền Nam điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm hai loại thép trên còn 14,72 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 200.000 đồng và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống tương ứng 14,37 triệu đồng/tấn và 15,13 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thương hiệu này điều chỉnh giảm 2 loại thép trên ở mức 200.000-350.000 đồng/tấn xuống còn 14,47 triệu/tấn và 14,98 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Đức miền Bắc, 2 loại thép giảm lần lượt 400.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn xuống còn 14,04 triệu đồng/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.

Với thép Kyoei, giá hôm nay là 14,64 triệu đồng/tấn và 15,25 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau giảm lần lượt 60.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn.

Theo giới chuyên gia đánh giá, mặc dù thị trường thép vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, nhưng khả năng tiêu thụ sẽ được cải thiện vào quý IV năm nay, khi nhu cầu thép của ngành Xây dựng qua giai đoạn mùa mưa.

Trái với diễn biến ảm đạm của thị trường thép trong nước, tại Trung Quốc, sắt thép đang có sự dịch chuyển tươi sáng hơn khi giá của mặt hàng này liên tục tăng lên trong giao dịch đầu tuần. Được biết, nguyên nhân khiến cho sự tăng trở lại của sắt thép khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục cắt giảm lãi suất. Chỉ một tuần sau khi cơ quan này bất ngờ hạ lãi suất một số khoản vay trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Động thái mới nhất của PBoC nhằm ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ trên thị trường bất động sản của nước này và hồi sinh nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, PBoC cắt giảm lãi suất khoản vay kỳ hạn 5 năm từ 4,45% xuống 4,3% trong khi lãi suất khoản vay kỳ hạn 1 năm giảm từ 3,7% xuống 3,65%.

Thị trường kỳ vọng việc hạ lãi suất sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối  với những người đi vay mua bất động sản tại Trung Quốc, từ đó giúp hoạt động phát triển bất động sản dần phục hồi, kéo theo nhu cầu sử dụng sắt thép tăng lên. Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản thường chiếm tới 40% nhu cầu sử dụng thép hàng năm của nước này.

 

Ý kiến của bạn