Cụ thể, giá thép hôm nay ghi nhận một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hạ 100.000 - 300.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, xuống còn 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Mỹ hạ 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 14,06 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 đi ngang ở mức 14,11 triệu đồng/tấn.
Ở mặt bằng chung, các doanh nghiệp khác có chung mức giảm khoảng 100.000 đồng/tấn với thép vằn thanh D10 CB300 và giữ nguyên giá với thép cuộn CB240.
Thép Hòa Phát tại miền Bắc, miền Nam hạ 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam xuống lần lượt 14,38 triệu đồng/tấn; 14,24 triệu đồng/tấn và 14,34 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,84 - 14,12 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý cũng giảm 100.000 đồng/tấn với dòng thép vằn thanh D10 CB300 còn 14,14 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 không điều chỉnh, hiện đang ở mức 13,74 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Đức tại miền Bắc, dòng thép vằn thanh hiện có giá 14,24 triệu đồng/tấn sau khi doanh nghiệp này điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn. Thép CB240 giữ nguyên 13,84 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam cũng giảm 100.000 đồng/tấn: giá thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu này đang ở mức 14,92 triệu đồng/tấn. Thép CB240 vẫn giữ nguyên ở mức 14,82 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 15,1 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn CB240 đi ngang ở mức 14,79 triệu đồng/tấn.
Có thể thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép đã có 19 phiên điều chỉnh giá, trong đó trong quý I có 6 phiên liên tiếp tăng giá, quý II có 12 phiên liên tiếp giảm giá. Bước sang quý III, giá thép vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm và đây là phiên điều chỉnh giảm đầu tiên trong quý III.
Mặc dù giá thép nội địa liên tiếp hạ nhưng tiêu thụ vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, các dự án nhà ở xã hội mới được triển khai chưa nhiều, cùng với đó hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng khiến tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết.
Thêm vào đó, giá nguyên liệu sản xuất thép từ tháng 3 đến nay vẫn tiếp đà giảm khi thị trường trầm lắng, nhu cầu tiêu thụ thép của các nền kinh tế tiếp tục đi xuống trong nửa cuối năm 2023.
Các doanh nghiệp thép trong nước còn đối mặt với khó khăn khi cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Chính vì thế, dự báo từ nay đến cuối năm, giá thép trong nước vẫn tiêu thụ kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá tiếp theo.
Như vậy, xu hướng giảm không nằm ngoài dự đoán của thị trường, khi giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép hạ nhiệt, trong khi bức tranh tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu thép vẫn chưa có tín hiệu hồi phục bền vững. Tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây. Tiêu thụ thép thô lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt dưới 10 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Thách thức trong quý III vẫn còn tiềm ẩn, đặc biệt khi đây là mùa mưa, hay mùa xây dựng thấp điểm rơi vào khoảng tháng 8, tháng 9 có thể hạn chế sức tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép kỳ vọng sức ép sẽ giảm bớt trong giai đoạn quý IV năm nay, khi đây là thời điểm các dự án gấp rút hoàn thành tiến độ, các dự án đầu tư công cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.