Vật liệu

Giá VLXD không sát với thị trường, dẫn đến giá thi công chênh lệch lớn

Giá VLXD không sát với thị trường, dẫn đến giá thi công chênh lệch lớn

Minh Thu Minh Thu - 10:54, 28/04/2022

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựngNhiều địa phương công bố giá vật liệu xây dựng (VLXD) không sát với diễn biến thị trường, dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn. Thực trạng này dẫn đến vướng mắc khi triển khai các dự án.

Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo trao đổi những khó khăn vướng mắc về công bố giá vật tư vật liệu đến chân công trình và một số bất cập về định mức dự toán, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng…

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến phản ánh hiện nay nhiều địa phương công bố giá vật liệu không sát với thực tế cung cầu của thị trường. Đây chính là lỗ hổng để nhiều đơn vị cung ứng vật liệu lợi dụng để đầu cơ, nâng giá, trục lợi…

Cụ thể, thực tế giá công bố VLXD không sát với diễn biến thị trường, dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn. Điều nay dẫn đến vướng mắc khi triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, hầu hết bảng giá VLXD được các địa phương công bố được xây dựng dựa trên báo giá của nhà cung cấp trên địa bàn mà chưa xem xét đến khả năng cung cầu của thị trường. Đến khi có dự án lớn hoặc nhiều dự án được triển khai đồng thời, các nhà cung ứng vật liệu lợi dụng tình trạng cầu vượt cung để đầu cơ, tăng giá, trục lợi. 

Thực trạng này khiến công tác lập, quản lý chi phí gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro khi giá vật liệu bùng phát tăng tại thời điểm thực hiện dự án.

Theo đó, các ý kiến tại hội thảo đề xuất Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương đối với việc công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó từng tỉnh, thành phố phải thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các loại vật liệu chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố; Các loại vật liệu chủ yếu biến động giá nhiều thì địa phương cần tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, hàng tuần. Cùng với đó là nâng cao chất lượng, năng lực dự báo…

Tại hội thảo, ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng cho biết việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có “độ trễ” hơn so với diễn biến thị trường. Để khắc phục hạn chế này, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương công bố giá kịp thời, bảo đảm sát giá thị trường, phục vụ điều chỉnh giá hợp đồng. Đồng thời, tăng cường xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, đẩy giá vật liệu xây dựng.

Ông Biên cũng cho biết, lãnh đạo Bộ đã giao Cục Kinh tế xây dựng phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng nghiên cứu, để trình Bộ ban hành trong thời gian tới hướng dẫn các Sở Xây dựng tiêu chí về cách thức khảo sát, công bố để đảm bảo công bố giá thống nhất, kịp thời…

Theo Luật Thống kê thì bắt đầu từ năm 2022, Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì công bố. Năm đầu thực hiện nên các danh mục vẫn còn hạn chế, do vậy Cục đã kiến nghị với lãnh đạo Bộ, trước mắt, phạm vi áp dụng của Chỉ số giá xây dựng quốc gia chỉ phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, chưa áp dụng cho điều chỉnh hợp đồng. Việc áp dụng xác định chi phí cũng ở trong một phạm vi nhất định.

 

Ý kiến của bạn