
Cụ thể, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) giảm 60 đồng, xuống 19.530 đồng/lít, trong khi đó xăng E5 RON 92 cũng hạ mức tương tự, về 19.120 đồng.
Tuy nhiên, đối với các mặt hàng dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá, với mức tăng dao động từ 90-350 đồng/lít. So với cách đây 07 ngày, dầu diesel tăng 180 đồng, lên 17.400 đồng/lít. Dầu hỏa và mazut lần lượt có giá mới 17.310 và 16.510 đồng.
Trong kỳ điều hành hôm nay, nhà điều hành không trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.
Thị trường xăng dầu thế giới 07 ngày qua chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như: Căng thẳng tiếp tục gia tăng tại khu vực Trung Đông; dự trữ dầu thô của Mỹ tăng; Nga và Ukraine chưa đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột... Các yếu tố này khiến giá xăng dầu thế giới biến động trái chiều.
Tại kỳ điều hành thứ Năm tuần trước (15/5), Liên Bộ tăng đồng loạt giá xăng dầu, với mức tăng khá cao, từ 280-630 đồng/lít để đảm bảo giá trong nước phù hợp với xu hướng thế giới, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học và hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. Cụ thể, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng 420 đồng, lên 19.590 đồng/lít; xăng E5 RON 92 thêm 410 đồng, ở mức 19.180 đồng/lít.
Tương tự, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng, trong đó dầu diesel tăng 420 đồng, lên 17.220 đồng/lít; Dầu hỏa và mazut lần lượt có giá mới 17.220 đồng/lít và 16.160 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành tuần trước, Liên Bộ vẫn tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Như vậy, giá xăng đã giảm ngay sau 1 phiên tăng kỳ điều hành trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 kỳ điều chỉnh, trong đó có 10 lần tăng, 10 lần giảm, 1 lần tăng giảm đan xen.
Chính phủ đang trình Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng chịu mức 10% tới hết năm 2026. Khác với các lần trước đây, mặt hàng xăng dầu lần đầu được đưa vào diện giảm thuế VAT.