Giải bài toán thiếu nước sạch từ quy hoạch và quản lý đô thị

Quy mô dân số Hà Nội hiện đã phá vỡ kỷ lục khi vượt xa gần gấp đôi số liệu hoạch định trong đồ án quy hoạch chung, sớm chạm mức phát triển quy mô dân số đô thị của 20 - 30 năm tới. Điều này kéo theo các hệ quả tiêu quá tải hạ tầng đô thị không thể tránh khỏi với các biểu hiện như kẹt xe, thiếu trường học, và đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt.

Những ai đã từng sống trong thời bao cấp, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên cảnh người dân hàng dài xếp hàng lấy nước sinh hoạt vào xô chậu cả ban ngày lẫn tối đêm trong các khu dân cư. Chuyện tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng của những năm trước 1980 thế kỷ trước, thì bỗng hiện hữu rần rần tại Hà Nội trong những ngày gần đây trở thành hình ảnh nổi bật “cười ra nước mắt” những tuần qua.

Những người dân, có cả những người hiện đang cư trú tại nhiều khu chung cư cao tầng mới xây dựng phải xếp hàng lấy từng thùng nước phục vụ sinh hoạt, thậm chí là nhịn tắm, hạn chế đi vệ sinh đã được các cơ quan báo chí truyền thông đăng tải không chí khiến nhiều người phải tâm tư về viễn cảnh cuộc sống thời bao cấp sẽ có thể được tái hiện “sinh động và lâu dài” giữa lòng đô thị thế kỷ 21 và giải pháp sớm chấm dứt tình huống éo le trên. 

Nhìn lại, trường hợp TP Hà Nội có thể dường như không phải là ngoại lệ. Như các phương tiện truyền thông đã phản ánh, nhiều đô thị lớn nhỏ trên phạm vi cả nước như TP.HCM, Bình Dương… thời gian gần đây cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Hình 1: Người dân Khu đô thị Thanh Hà đứng chờ nước sạch từ xe bồn.

Đã có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan được đưa ra để lý giải như: Thiếu nguồn lực đầu tư cho sản xuất và cung cấp nước sạch; Sự suy giảm của nguồn khai thác nước ngầm; Sự chậm chễ trong tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nhà máy sản xuất và hệ thống mạng lưới cấp nước sạch, nhưng một trong những nguyên nhân từ gốc rễ sâu xa đặc biệt cần được quan tâm chính là từ công tác quản lý - cấp phép xây dựng theo quy hoạch/kế hoạch phát triển đô thị.

Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt năm 2011, toàn TP Hà Nội đến năm 2030 dự kiến có quy mô dân số là 4,6 triệu người, riêng khu vực nội đô (tính từ đường Vành đai 3 trở vào) có quy mô dân số giảm từ 1,2 triệu người (thời điểm những năm 2011) xuống 800 nghìn dân thông qua các biện pháp giảm tăng dân số cơ học. Đây cũng là cơ sở để tính toán các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ đến năm 2030 cho TP Hà Nội để đảm bảo đô thị phát triển bền vững, cũng như ngày một nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân toàn thành phố cũng như khu vực trung tâm.

Nếu nắm rõ, tùy theo các điều kiện hiện có về không gian, tài nguyên thiên nhiên và xã hội, mỗi đô thị đều chỉ có thể dung nạp một số lượng dân cư hợp lý và đã cơ bản được tính toán khoa học và cụ thể trong các đồ án quy hoạch, thì quản lý phát triển quá mức so với các chỉ tiêu tính toán trong quy hoạch sẽ là nguy cơ để đô thị phát triển thiếu bền vững, và chuyện quá tải hạ tầng sẽ chỉ là điều sớm muộn sẽ xảy ra.

Với Hà Nội, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, hầu như bản quy hoạch đô thị đã không được triển khai thực hiện một cách đầy đủ và đồng bộ. Các số liệu thống kê quy mô dân số toàn đô thị và khu vực nội đô cho đến hiện nay đều đã tăng phi mã, cơ quan quản lý đô thị khó kiểm soát nổi, kéo theo việc phá vỡ mọi định hướng quy hoạch đô thị ban đầu. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, chỉ đến năm 2019, tổng dân số TP Hà Nội đã là 8,1 triệu người. Riêng khu vực nội đô là khoảng xấp xỉ 1,4 triệu người.

Tính đến thời điểm đầu năm 2023, quy mô dân số toàn đô thị ước tính đạt 8,5 triệu người (nguồn số liệu công bố của Sở Y tế Hà Nội tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam), trong đó khu vực nội đô ước tính khoảng xấp xỉ 1,5 triệu người. Nhiều chuyên gia đánh giá, quy mô dân số Hà Nội hiện đã phá vỡ kỷ lục khi vượt xa gần gấp đôi số liệu hoạch định trong đồ án quy hoạch chung, sớm chạm mức phát triển quy mô dân số đô thị của 20 - 30 năm tới đã cho thấy công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, đặc biệt là áp dụng các giải pháp giãn dân, giảm tăng dân số cơ học còn một khoảng cách rất lớn so với quy hoạch định hướng phát triển đô thị.

Điều này kéo theo các hệ quả tiêu quá tải hạ tầng đô thị không thể tránh khỏi với các biểu hiện như kẹt xe ở nhiều địa điểm vào thời điểm trong ngày, thiếu trường học, và đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt như đã được phản ánh trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp việc quản lý cấp phép xây dựng thiếu kiểm soát theo quy hoạch, cấp phép chưa tương thích đồng bộ với tiến độ hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả hệ thống cấp nước sinh hoạt) cũng góp phần làm trầm trọng thêm sự quá tải về hạ tầng, bao gồm cả việc thiếu nước sinh hoạt.

Số liệu nghiên cứu của Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp bộ về: Nghiên cứu chỉ tiêu và tiêu chí kiểm soát phát triển khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội, trong các năm từ 2019 - 2021 đã chỉ rõ, chỉ tính đến năm 2019 Hà Nội có khoảng 46 nghìn căn nhà phố và hơn 300 nghìn căn hộ chung cư, 36 nghìn căn hộ trong khoảng 60 dự án được mở bán mới. Điều này tiềm ấn khá nhiều vấn đề bởi áp lực cực lớn cho hạ tầng đô thị nếu không theo sát với đồ án quy hoạch đã được duyệt. Năm 2021, số liệu công bố của Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 928 nhà chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Gần đây nhất, số liệu Báo cáo xu hướng thị trường chung cư trung cấp - cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 - 2025, dự kiến trong năm 2023 Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục hoàn thành xấp xỉ 14 - 15 nghìn căn hộ. Việc tăng trưởng “cực nóng” các công trình cao tầng, đặc biệt là chung cư cao tầng, tòa nhà hỗn hợp được “xây chen” trong nội đô, và xuất hiện thêm nhiều khu đô thị đông dân cư ở các khu vực ven đô trên cơ sở cho phép điều chỉnh cục bộ so với quy hoạch đô thị ban đầu, đã phần nào làm phá vỡ sự phát triển bền vững của đô thị. Điều này đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh hệ thống hạ tầng đô thị, bao gồm hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt, được đầu tư xây mới và cải tạo nâng cấp hoàn toàn không theo kịp với tốc độ cấp phép và xây dựng nhà ở.

Nghiêm trọng hơn, việc có một số lượng đáng kể các công trình xây dựng đặc biệt là chung cư cao tầng, công trình hỗn hợp xây dựng sai phép, không phép, được phạt cho tồn tại trong nhiều năm trước đây (cả ở khu vực nội đô trung tâm đô thị) với chiều cao, khối tích, số lượng căn hộ và cư dân cư trú lớn, vượt quá chỉ tiêu cho phép ban đầu, chất tải mạnh mẽ lên hạ tầng càng làm “trầm trọng thêm” việc khả năng đáp ứng cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân.

Cụ thể, theo Kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 24/5/2022, chỉ riêng trục đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra tới 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế được duyệt.

Gần đây, việc trong số gần 900 chung cư mini trên địa bàn có một số lượng đáng kể đã xây dựng biến tướng sai phép từ nhà ở hộ gia đình sang nhà ở có nhiều căn hộ trên các tầng, vượt chỉ tiêu được cấp phép bị phát lộ sau vụ cháy rúng động ở quận Thanh Xuân vừa qua cũng là một điều đáng chú ý bởi không chỉ nguy cơ cháy nổ mà trước tiên còn là sự chất tải “quá đáng” cho hạ tầng đô thị tại chỗ bao gồm cả hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt cho dân cư.

Tất cả các dữ kiện trên đã cho thấy một bức tranh tổng thể về quản lý phát triển đô thị còn chưa theo sát với định hướng quy hoạch được duyệt, sự điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong nhiều trường hợp còn tùy tiện và sau hết là việc quản lý đô thị, cấp phép xây dựng không sát với quy hoạch đã dẫn đến hệ quả tất yếu là sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật mà thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân đô thị là sự việc nghiêm trọng nhưng hoàn toàn đã có thể được nhận diện nguy cơ từ trước.

Chỉ khi nào công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch được triển khai đồng bộ, thống nhất thì mới có thể tạo nên những đô thị bền vững, có chất lượng tiện nghi sống cao, việc thiếu nước sạch cục bộ sẽ không còn tái diễn.

Qua một số nghiên cứu về kinh nghiệm tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Singapore - một quốc gia có diện tích khiêm tốn với nguồn tài nguyên nước rất hạn chế, thường xuyên phải nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, nhưng đi đầu trong phát triển đô thị bền vững, việc đảm bảo nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất được thực hiện công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đồng bộ, khoa học, chặt chẽ.

Trong đó, ngay từ bản quy hoạch đô thị của Singapore năm 2008 không chỉ hoạch định các định hướng phát triển đô thị bền vững mà còn tính toán một quy mô dân số hợp lý trên cơ sở tính đúng, tính đủ khả năng dung nạp cho phép của đô thị về không gian, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt bao gồm khả năng cung cấp tài nguyên nước cho đô thị). Từ các quy hoạch về không gian, các quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch hệ thống cấp nước sạch cũng được nghiên cứu triển khai đồng bộ. 

Hình 2: Quy hoạch đô thị năm 2008 của Singapore với tầm nhìn phát triển đô thị sinh
thái bền vững, tính toán xác định khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị với quy mô dân số phù hợp (nguồn: internet)

Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, các kế hoạch triển khai quản lý phát triển đô thị gồm quản lý, nâng cấp, vận hành hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt cũng được thực triển khai hiện thống nhất từ các Bộ, ngành Trung ương đến chính quyền các địa phương và cộng đồng dân cư.

Trong công tác quản lý cấp phép xây dựng, các chỉ tiêu quy hoạch của từng ô phố được công bố rộng rãi trên nền tảng số cho phép doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng truy cập tiếp cận để có thể có một thiết kế quy mô công trình phù hợp hợp lý với không gian và hạ tầng đô thị, hạn chế các tiêu cực trong quá trình cấp phép và triển khai dự án. Cơ quan quản lý, người dân và cộng đồng có thể truy cập thông tin và tham gia giám sát, phản ảnh các tiêu cực ngay khi xuất hiện sai phạm, nguy cơ làm phá vỡ không gian đô thị và quá tải về hạ tầng.

Những bài học cụ thể như trên về công tác quy hoạch đô thị có thể là kinh nghiệm rất tốt cho công tác quản lý phát triển đô thị, đảm bảo sự phát triển bền vững, an sinh xã hội (bao gồm cả việc cũng cấp đủ nước sạch hợp vệ sinh cho mọi người dân đô thị) và nâng cao chất lượng cuộc sống cho TP Hà Nội và các đô thị Việt Nam trong thời gian tới.
 

Bình luận