Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM phát triển thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội

06:50 11/09/2022
Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 35.000 căn nhà. Đây là một trong những nội dung được phê duyệt tại Quyết định Phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021- 2030.

Nhà ở xã hội (NƠXH) tại TP.HCM được phân thành 2 loại, nhà cho thuê phấn đấu khoảng 500 ngàn m2 sàn, tương đương khoảng 7.000 căn hộ, nhà lưu trú công nhân trên 220 ngàn m2 sàn, khoảng 4.500 căn hộ. Như vậy, nhà cho thuê sẽ là mục tiêu phát triển của TP.HCM trong thời gian tới. Theo khảo sát của Ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM, hiện nay có 80% công nhân, người lao động tại các cơ sở này có nhu cầu thuê thay vì mua.

NƠXH Lê Thành - An Lạc Quận Bình Tân, TP.HCM

Tuy nhiên tại TP.HCM, NƠXH cho thuê thuộc diện “cực hiếm”, vì từ trước đến nay mô hình này khó phát triển bởi nhiều nguyên nhân. Ngoài cơ chế chính sách thì giá nhà ở thương mại tại TP.HCM đã tăng mạnh trong nhiều năm qua, thậm chí thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá cao gấp khoảng 2 lần TP Hà Nội. Đơn cử, khu căn hộ cao cấp Melody Linh Đàm (Hà Nội) do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư có mức giá khoảng 34 triệu đồng/m2 nhưng với vị trí tương đương tại TP.HCM có mức giá 70-80 triệu đồng/m2.

Còn về quỹ đất và giao thông, đất để làm NƠXH tại TP.HCM khoảng cách di chuyển vào trung tâm ít nhất cũng 30 km, trong khi đó, khoảng cách này ở Hà Nội là từ 10-20 km. Chưa kể đến kết nối giao thông và hạ tầng tại Hà Nội thuận lợi và đầy đủ hơn. Đó là lý do mà nhiều chủ đầu tư tại TP.HCM rất khó để làm NƠXH.

Khảo sát về nhu cầu NƠXH giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 37 triệu m2 sàn (tương đương khoảng 600 ngàn căn), dự kiến cho nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cần khoảng 37.700 tỷ đồng cho giai đoạn 2021- 2025, và đến năm 2030 cần khoảng 86.400 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu vốn. Nguồn vốn  ngân sách nhằm đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, cho thuê mua (bao gồm cả NƠXH cho công nhân).

Về quỹ đất, nhu cầu cho loại hình này khoảng 451 ha, quỹ đất phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 417 ha và cho nhà lưu trú cho công nhân là 34 ha.

Một góc NƠXH HQC Plaza

Tại các nhóm giải pháp về quy hoạch và phát triển quỹ đất, TP.HCM vẫn bảo lưu quan điểm khi lập, phê duyệt quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, quy hoạch KCN phải bố trí quỹ đất để làm NƠXH, tập trung tại các khu vực 6 quận nội thành phát triển và huyện ngoại thành. Như vậy, đề xuất quy 20% quỹ đất NƠXH để nộp tiền sẽ không thực hiện được tại TP.HCM.

Giải pháp về nguồn vốn, bên cạnh chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách còn ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê. Đẩy mạnh nguồn vốn vay ưu đãi, xem xét mở rộng đối với các hộ gia đình đầu tư xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà cho công nhân, người lao động, sinh viên thuê.

Bố trí một phần kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi hàng rào đối với các dự án NƠXH, nhà cho công nhân thuê trong các KCN, có cách tính để giảm tiền điện nước đối với người thuê trọ. Ban hành gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 100 tỷ đồng) đối với chủ nhà trọ khi vay vốn khi nâng cấp, cải tạo nhà trọ theo tiêu chí của Sở Xây dựng, thời gian dự kiến 3 năm.

 

Từ khóa nhà ở xã hội
Bình luận