Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn các chương trình mục tiêu quốc gia nguồn NSNN đến hết tháng 9/2024.
Theo báo cáo, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đến hết tháng 9/2024 đạt 41,2% tổng kế hoạch vốn giao năm 2024. Trong đó, vốn đầu tư từ nguồn NSTW đạt 48,6%, tương đương khoảng 13.242 tỷ đồng; có 7 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 70%.
Trong đó, CTMTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân trên 4.283,8 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch vốn.
CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân vốn trên 6.751,6 tỷ đồng, đạt 48,2% kế hoạch vốn.
CTMTQG giảm nghèo bền vững giải ngân trên 2.206,9 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch vốn, bao gồm 2 dự án: Dự án 1, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, giải ngân đạt 43,2%; Dự án 4, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững giải ngân đạt 33,9%.
Đến hết tháng 9/2024, có 7 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 70%, gồm: Hậu Giang (89%), Vĩnh Long (83,3%), Ninh Thuận (77%), Tiền Giang (72,6%), Lâm Đồng (71,2%), Yên Bái (71%) và Bạc Liêu (70%).
Có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, gồm: Bình Phước (15,7%), Hà Tĩnh (16,4%) và Cà Mau (29,6%).
Thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, nhờ đó nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân các CTMTQG được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành và địa phương chậm trong triển khai, gồm: Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Quảng Nam, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Bình Phước.
Bộ Tài chính đề nghị các chủ đầu tư Chương trình/Dự án và UBND các tỉnh, thành phố kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban bành cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn NSTW năm 2024, cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn.
Trước đó, tại Thông báo số 364/TB-VPCP ngày 06/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội khóa XV để đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm; đồng thời dự thảo Bộ quy trình, thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6, 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15.
Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các CTMTQG liên quan đến giao dự toán chi thường xuyên, điều chỉnh dự toán NSNN, lựa chọn dự án phát triển sản xuất, thực hiện dự án phát triển sản xuất, sử dụng tài sản hình thành trong dự án, ủy thác vốn, cơ chế thí điểm phân cấp và giao kế hoạch đầu tư công cho dự án có quy mô nhỏ.