Giải pháp chống ngập đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

17:23 26/11/2024
Việc ứng dụng các công nghệ kiểm soát chống ngập cũng như hình thành dự án để có các đối sách giảm thiểu úng ngập cho các đô thị là rất cấp thiết hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Sáng 26/11, Hội thảo Việt-Nhật về các giải pháp chống ngập đô thị thích ứng với BĐKH đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng); Tổng cục Cấp, thoát nước (Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản - MLIT) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức.

Dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Bộ MLIT; JICA; một số Sở Xây dựng, đơn vị thoát nước, doanh nghiệp và chuyên gia hai nước...

Phát triển đô thị và những thách thức đối với lĩnh vực cấp, thoát nước

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. BĐKH và nước biển dâng đã có chiều hướng diễn biến phức tạp, dẫn đến tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị với cường độ ngày càng tăng, gây nhiều tổn thất về người và kinh tế.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ngoài ra, với khoảng 902 đô thị, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng dẫn đến việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo dân số đô thị tăng nhanh cũng mang lại không ít rủi ro như thiên tai và sự biến đổi về môi trường.  

Trong bối cảnh đó, Quyết định số 589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/4/2016 điều chỉnh định hướng thoát nước đến năm 2030 đã đặt mục tiêu phát triển thoát nước bền vững góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, có sự tham gia và giám sát của cộng đồng và hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương theo lưu vực sông, liên kết vùng; đồng thời có sự hợp tác với các nước trong khu vực nhằm bảo đảm thoát nước an toàn, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH và nước biển dâng.

Thực tế, từ năm 2010, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT đã ký “Biên bản hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải”, làm cơ sở cho hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ Cục Hạ tầng kỹ thuật xây dựng các chính sách thoát nước và xử lý nước thải, rà soát, đánh giá tình hình thoát nước, ngập úng đô thị và có định hướng dự án của JICA hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện.

Ông Matsubara Hidenori - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cấp, thoát nước (Bộ MLIT).

Ông Matsubara Hidenori - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cấp, thoát nước (Bộ MLIT) cho biết, để thực hiện thỏa thuận hợp tác, phía Nhật Bản đã cử chuyên gia sang Việt Nam công tác từ năm 2009, trong đó đáng chú ý đã hỗ trợ Việt Nam nhiều kinh nghiệm thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến lĩnh vực thoát nước va xử lý nước thải.  

Cũng theo ông Matsubara Hidenori, những năm gần đây, ngập lụt, BĐKH đã diễn ra trên toàn cầu, đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó hiệu quả. Đây cũng chính là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Nhật Bản và Việt Nam. Do đó việc chia sẻ, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn và những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản có thể đóng góp hữu ích cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Các biện pháp chống ngập úng tại đô thị thích ứng với BĐKH

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp hai bên trao đổi kinh nghiệm thực hiện các dự án thoát nước, các biện pháp chống ngập úng tại một số đô thị của Việt Nam và Nhật Bản; giới thiệu giải pháp quản lý tài sản thông minh một số giải pháp kỹ thuật tiên tiến và được ứng dụng hiệu quả tại Nhật Bản trong việc kiểm soát ngập úng nhằm khắc phục nhanh sau mưa lũ trong bối cảnh BĐKH toàn cầu như hiện nay...

ThS Lê Thu Thuỷ - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng).

Với chuyên đề “Tổng quan về quản lý thoát nước tại Việt Nam”, ThS Lê Thu Thuỷ - Cục Hạ tầng kỹ thuật, cho biết, hệ thống thoát nước tại các đô thị Việt Nam chủ yếu là hệ thống thống nước chung, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chắp vá, xuống cấp và chưa được nâng cấp hoàn chỉnh. Nước mưa và nước thải sinh hoạt chảy chung, được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch, sông ra biển.  

Đến nay, toàn quốc có 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị, với tổng công suất thiết kế khoảng 1,79 triệu m3/ngày đêm; công suất vận hành thực tế khoảng gần 700.000 m3/ngày đêm.

“Đáng chú ý, tình trạng ngập úng do mưa khu vực đô thị thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn từ những năm 2000; ngày càng trầm trọng về mức độ, tần suất và thời gian ngập kéo dài hơn từ giai đoạn sau năm 2010 đến nay và ngày càng phức tạp, khó lường hơn”, ThS Lê Thu Thuỷ nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Việt Anh - Đại học Xây dựng Hà Nội.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Việt Anh - Đại học Xây dựng Hà Nội, nêu 7 thách thức trong thoát nước và chống ngập đô thị tại Việt Nam, cụ thể:

Nhận thức, ý thức của người dân đối với vấn đề thoát nước và xử lý nước thải chưa cao, chưa sẵn sàng thích ứng với BĐKH.

Tại nhiều đô thị, tỉ lệ đấu nối vào hệ thống thoát nước còn thấp; hầu hết các hệ thống thu gom nước thải đều là hệ thống chung; giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp, không bù đắp được chi phí vận hành và bảo dưỡng…

Ngoài ra, mạng lưới thoát nước cũ, chắp vá; ô nhiễm đất, nước ngầm, nước mặt do nước thải phát tán; mưa ngập, triều cường ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt. Quy hoạch và quản lý quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải còn nhiều hạn chế. Việc lập và triển khai thực hiện dự án chống úng ngập, thoát nước và xử lý nước thải còn mất cân đối giữa các hợp phần của dự án; hợp phần xử lý bùn, thu hồi tài nguyên chưa được chú ý.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn tài chính để thực hiện các dự án thoát nước và xử lý nước thải đang diễn ra; không hấp dẫn tư nhân và khó xã hội hóa. Khả năng chống chịu, thích ứng còn hạn chế; chuyển đổi số còn chậm; chưa có cơ chế chia sẻ dữ liệu lập quy hoạch, thiết kế, vận hành quản lý hạ tầng thoát nước…

Ông Phạm Quang Quỳnh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng.

Ông Phạm Quang Quỳnh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, chia sẻ về các giải pháp chống ngập tại TP Hải Phòng.

Theo đó, hệ thống thoát nước của đô thị Hải Phòng được hình thành từ lâu, đã có một số dự án đầu tư, mở rộng qua nhiều thời kỳ; tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% diện tích đô thị của 3 quận trung tâm.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, hệ thống được xây mới chủ yếu để giải quyết vấn đề ngập cục bộ trước mắt, chưa mang tính đồng bộ cao nên khả năng tiêu thoát nước mưa còn hạn chế.

Để khắc phục, Công ty đã xây dựng hệ thống quản lý GIS và Trung tâm điều hành chống ngập, với việc số hóa toàn bộ hệ thống các đường ống, ga thoát nước, mương, hồ điều hòa… làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.

Đồng thời triển khai các giải pháp chống ngập cho các lưu vực, bổ sung và đưa vào vận hành một số trạm bơm nước mới, nâng công suất các trạm bơm hiện hữu; nạo vét bùn mương, hồ điều hòa; cải tạo một số tuyến cống chính; phân chia lưu vực thoát nước hợp lý; lắp đặt các sản phẩm thoát nước hiệu quả…

Ông Hasegawa Fumiaki - Giám đốc các dự án cấp, thoát nước nước ngoài (Bộ MLIT).

Chia sẻ về các dự án thoát nước, xử lý nước thải tại TP Yokohama, ông Hasegawa Fumiaki - Giám đốc các dự án cấp, thoát nước nước ngoài (Bộ MLIT) cho biết, tần suất mưa lớn đã tăng 40% ở Nhật Bản kể từ khoảng năm 1975 và tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP Yokohama.

Thành phố đã có các nỗ lực kiểm soát ngập lụt, với các giải pháp nhằm tạo hiệu quả sớm như: Phát triển tập trung cơ sở vật chất tại các khu vực được lựa chọn, kiểm soát nước mưa chảy tràn, giảm thiểu tác hại của thiên tai cùng với các biện pháp tự lực và phi vật chất nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ ngập lụt.

Đáng chú ý, từ năm 2021, TP Yokohama đã đề ra phương châm trị thuỷ, giải pháp phòng, chống ngập úng có sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp; hệ thống thoát nước được quan tâm xây dựng, áp dụng nhiều công nghệ vào chống ngập; có nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy trang bị hệ thống hạ tầng này.

Đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm trữ nước mưa, hệ thống thấm nước mưa; ứng dụng vật liệu làm đường có khả năng thấm nước mưa nhằm làm giảm lưu lượng nước chảy trên bề mặt trong thời gian ngắn…; tăng cường hệ thống máy bơm, trạm bơm.

Cuối cùng là giải pháp liên quan đến phần mềm, hệ thống ra đa quan sát mây, bản đồ theo dõi lưu lượng nước, và công bố công khai rộng rãi để nâng cao ý thức của cộng đồng và chủ động phòng chống thiên tai.  

Ở phần thảo luận, các chuyên gia hai nước đã trao đổi nhiều nội dung, như vấn đề hoàn thiện hàng lang pháp lý cho lĩnh vực quản lý cấp, thoát nước; vấn đề huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng cấp, thoát nước; định hướng giải quyết các vấn đề lớn (kinh doanh, giá thành, thích ứng với BĐKH…).

Cùng với đó là các vấn đề về trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào việc đầu tư hạ tầng cấp, thoát nước; vấn đề đấu nối hạ tầng từ nhà dân vào hệ thống thoát nước; mô hình hố gom nước mưa được áp dụng tại Nhật Bản…

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu kết luận.

Kết luận Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, đánh giá cao sự gắn kết giữa các bên suốt trong quá trình hợp tác; phát huy hiệu quả vào các vấn đề chuyên môn liên quan đến cấp, thoát nước.

“Hội thảo cũng giúp phía Việt Nam hiểu thêm về các giải pháp, công nghệ mới nhất của Nhật Bản trong lĩnh vực cấp, thoát nước có thể áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.

Ông Tạ Quang Vinh bày tỏ hy vọng, cùng với quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý cấp thoát nước, đặc biệt là lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải, làm cho lĩnh vực này theo kịp tốc độ phát triển đô thị, đáp ứng được nhu cầu xã hội, góp phần cải thiện môi trường sống tại Việt Nam.  

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã giới thiệu một số dự án thoát nước, xử lý nước thải tiên tiến của Nhật Bản, như: Giải pháp bơm Torishima cho lũ lụt và biến đổi khí hậu; Hệ thống bơm kiểm soát lũ KUBOTA; Blitz-GIS: Giải pháp quản lý nước mưa và tài sản thông minh…

Bình luận