Hiện nay, hơn 70% dân số Hàn Quốc sinh sống dọc theo hành lang kinh tế Seoul - Busan, đặc biệt tập trung tại khu vực thủ đô Seoul với khoảng 19 triệu người. Sự tập trung dân cư lớn này tạo ra nhu cầu di chuyển cao, làm cho hành lang Seoul - Busan trở thành một trong những tuyến đường giao thông sầm uất nhất Hàn Quốc.
Hành lang kinh tế chiến lược Seoul - Busan
Để giảm ùn tắc giao thông, cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không đều cần được phát triển và tối ưu hóa. Trong đó, hệ thống ĐSTĐC Korea Train Express (KTX) nổi bật là một giải pháp tối ưu và đã trở thành phương tiện di chuyển hiệu quả và phổ biến nhất cho hành khách cho đất nước này.
Với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, hành lang Seoul - Busan chiếm đến 75% tổng sản phẩm quốc gia của Hàn Quốc. Tuyến đường này nối liền các TP lớn như Seoul, Incheon, và Busan - nơi có các cảng biển và sân bay chính của đất nước. Hệ thống KTX, do đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông mà còn hỗ trợ vận chuyển hàng hóa chiếm đến 70% tổng lượng hàng hóa vận tải trong nước, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.
Ban đầu, tuyến cao tốc này có chiều dài 412 km, phần lớn đi qua các địa hình đồi núi, trong đó có 190 km qua đường hầm và 120 km trên cầu cạn. Khi hệ thống KTX được hoàn thành vào năm 2004, thời gian di chuyển giữa hai thành phố lớn Seoul và Busan giảm từ 4 giờ 10 phút xuống còn khoảng 2 giờ 40 phút.
Sau giai đoạn hai hoàn thành vào năm 2010, thời gian di chuyển rút ngắn xuống còn 1 giờ 56 phút - chỉ bằng một nửa so với tàu truyền thống và nhanh gấp ba lần so với ô tô. Hệ thống KTX đã phục vụ hàng triệu lượt hành khách mỗi năm, giúp Hàn Quốc đạt hiệu quả cao trong di chuyển và vận tải hành khách.
Vai trò của công nghệ trong phát triển KTX
Ban đầu, Hàn Quốc sử dụng công nghệ TGV của Pháp với hợp đồng ký kết giữa Alstom và Eukorail - một chi nhánh của Alstom tại Hàn Quốc - để xây dựng hệ thống tàu cao tốc đầu tiên. Các kỹ sư Pháp cũng đã hỗ trợ đào tạo cho các kỹ sư Hàn Quốc và chuyển giao công nghệ sản xuất tàu KTX. Nhờ đó, Hàn Quốc đã từng bước nội địa hóa công nghệ và hiện nay đã có thể tự phát triển các tàu cao tốc mới, như KTX-Eum, hoàn toàn dựa trên công nghệ trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Vận tốc trung bình của KTX là khoảng 305 km/h, nhưng nó có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 330 km/h trong những điều kiện lý tưởng. Đây là một trong những hệ thống tàu nhanh nhất ở châu Á, vượt trội cả về tốc độ và an toàn nhờ các công nghệ hiện đại như điều khiển tự động ATC (Automatic Train Control) và giám sát nhiệt độ đường ray để giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành.
Hệ thống KTX ngày nay không chỉ đáp ứng tốc độ cao và an toàn mà còn mang lại sự thoải mái tối ưu cho hành khách. Các tàu hiện đại KTX-20 được trang bị hệ thống an toàn cao cấp, như hệ thống phát hiện và đối phó với cháy nổ, hệ thống chống khói, cùng hệ thống điều khiển tín hiệu tiên tiến hợp tác với các đối tác Hàn Quốc (như LGIS và Samsung). Hệ thống CTC (Centralized Traffic Control) được tích hợp, cho phép giám sát và điều khiển giao thông tự động hoặc thủ công, đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa cho vận hành tàu.
Tương lại ĐSTĐC tại Hàn Quốc
Qua quá trình phát triển, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới có hệ thống tàu cao tốc tiên tiến và hiện đại. Nhờ chuyển giao công nghệ từ Alstom và cải tiến nội địa hóa, các nhà sản xuất Hàn Quốc đã đạt được mức độ tự chủ cao trong sản xuất, vận hành và bảo trì hệ thống tàu KTX. Các chuyên gia dự đoán KTX sẽ tiếp tục chiếm lĩnh 40% thị phần giao thông đường bộ và 60% thị phần hàng không trong hành trình kết nối Seoul và Busan.
Hệ thống đường sắt cao tốc KTX không chỉ là giải pháp tối ưu cho tình trạng giao thông mà còn là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Với tầm nhìn dài hạn, Hàn Quốc đã và đang tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng mạng lưới KTX, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại trong tương lai.